Ngày 31-10, Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và bảo vệ môi trường Miền Nam phối hợp với Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo “Thực trạng công tác ATVSLĐ và sức khỏe lao động nữ ngành may mặc và giày da trên địa bàn Đồng Nai”. Tham dự hội thảo có TS.BS Trịnh Hồng Lân, Phân viện Trưởng Phân viện khoa học ATVSLĐ và bảo vệ môi trường Miền Nam; BS.CKII Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện các sở, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo thống kê, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1,2 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ trên 60%. Các ngành thu hút nhiều lao động nữ nhất là giày da, may mặc với 85% tổng số lao động của ngành. Lao động làm việc trong 2 ngành này luôn phải làm việc trong điều kiện áp lực cao về mặt thể chất và tinh thần, tác động và ảnh hưởng khác nhau đến tình trạng sức khỏe. Do đó, cần thiết phải có sự quan tâm và nâng cao sức khỏe lao động nữ ở nhóm ngành này.

BS.CKII Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Theo Phân viện khoa học ATVSLĐ và bảo vệ môi trường Miền Nam, trong 2 năm qua, thực hiện đề tài nghiên cứu Thực trạng công tác ATVSLĐ và sức khỏe lao động nữ ngành may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Phân viện đã khảo sát lao động nữ tại 14 doanh nghiệp ngành dệt may, giày da có quy mô từ 100 lao động trở lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lao động nữ ở cả 2 nhóm ngành trên thường gặp các bệnh phổ biến nhất là mắt, cơ xương khớp, hệ thần kinh và bị giảm thính lực.
TS.BS Trịnh Hồng Lân, Phân viện Trưởng Phân viện khoa học ATVSLĐ và bảo vệ môi trường Miền Nam cho biết, kết quả nghiên cứu đề tài Thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động và sức khỏe lao động nữ ngành may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ cung cấp thêm số liệu giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách và có giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống lao động nữ; từ đó, gia tăng giá trị lao động cho các doanh nghiệp may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến và giải pháp nâng cao công tác ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe lao động nữ ngành dệt may, giày da. Ngoài ra, đại diện Sở Y tế và Sở LĐ-TBXH đã tham luận, đánh giá thực trạng ATVSLĐ tại các doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ và đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn động trong công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Gia Nhi