Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người dân, thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm, “mạnh tay” xử lý các trường hợp vi phạm, tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo an toàn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP trong cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nhờ vậy tỷ lệ các cơ sở thực phẩm trên địa bàn vi phạm giảm đi đáng kể, ý thức cộng đồng về ATTP ngày một nâng cao.
Nâng cao ý thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm
Ông Phan Phúc - Phó Giám đốc phòng phúc lợi công ty Vedan Việt Nam chia sẻ: Hiện nay mỗi ngày công ty cung cấp khoảng 4.300 suất ăn cho công nhân viên làm việc 3 ca, nên vấn đề ATTP rất được công ty quan tâm, bởi vậy tất cả 10 đầu bếp và 40 nhân viên phục vụ bếp ăn đều được tập huấn kiến thức ATTP định kỳ hàng năm 1 lần, được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để làm các xét nghiệm người lành mang trùng, không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang tham gia chế biến tại bếp ăn.
Các bếp ăn tập thể Công ty Vedan Việt Nam đều thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định của Bộ Y tế. Đội ngũ nhân viên y tế của công ty gồm 9 người thường xuyên, liên tục thực hiện kiểm tra cơ sở vật chất, nguyên liệu thực phẩm đầu vào, tác nghiệm chế biến thức ăn của nhân viên nhà bếp trong 3 ca/ngày và thực lưu mẫu thức ăn tại Trạm y tế. Có Tổ tự kiểm tra ATTP tại bếp ăn tập thể hàng ngày tiến hành kiểm tra quy trình chế biến suất ăn cho công nhân viên tại công ty.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại quán ăn ở huyện Long Thành.
Nhờ thực hiện tốt công tác ATTP nên nhiều năm liền công ty không xảy ra vấn đề ngộ độc thực phẩm. Công nhân cũng an tâm lao động sản xuất nâng cao sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Việt, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh qua đợt kiểm tra ATTP trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội xuân năm 2023 cho thấy ý thức của người sản xuất, chế biến thực phẩm ngày càng được nâng cao, chính quyền các cấp có sự quan tâm hơn trong công tác bảo đảm ATTP thể hiện qua công tác chỉ đạo, điều hành một số địa phương thực hiện quyết liệt về công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên có thể nói, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATTP thì yếu tố cốt lõi chính là lương tâm, trách nhiệm và ý thức tự giác của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra, hậu kiểm
Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 15,4 ngàn cơ sở thực phẩm. Trong năm 2022, ngành Y tế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 15,4 ngàn lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có hơn 15,1 ngàn cơ sở đạt yêu cầu (chiếm hơn 98%). Có 64 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 750 triệu đồng. Hiện nay tất cả các tuyến đều có hồ sơ quản lý các loại hình cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý, thường xuyên rà soát và cập nhật các cơ sở mới.
Đặc biệt trong đợt kiểm tra ATTP dịp tết nguyên đán và lễ hội mùa xuân năm 2023, Ban chỉ đạo đảm bảo vệ sinh ATTP đã tiến hành kiểm tra 3.151 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 2.669 chiếm tỷ lệ 84,7%.
Ông Trần Hùng - Trưởng Phòng Y tế TP.Biên Hòa cho biết, để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATTP đòi hỏi các ngành các cấp phải thống nhất, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm để có cơ sở đánh giá nhận thức, mức độ tuân thủ quy định về ATTP đối với chủ cơ sở đang hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về điều kiện ATTP.
Riêng trong lĩnh vực y tế, trong năm 2022 trên địa bàn TP.Biên Hòa đã tổ chức 32 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 1.790 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 1.735 cơ sở chiếm tỷ lệ gần 97%, xử lý vi phạm hành chính 9 cơ sở với số tiền 98 triệu đồng, yêu cầu ngừng hoạt động 7 cơ sở. Đa phần nguyên nhân vi phạm ATTP là do sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động. Không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, nhà vệ sinh và các khu vực phụ trợ liên quan. Không có giấy phép chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở cũng như nhân viên không đầy đủ hoặc đã hết hạn...
Tại huyện Cẩm Mỹ, theo cán bộ phụ trách công tác ATTP trên địa huyện cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện đang có 13 chợ truyền thống, 9 siêu thị bách hóa xanh, có 1.052 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến ATVSTP. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tăng cường công tác kiểm tra về ATTP trên địa bàn, trong năm 2022 huyện đã tiến hành kiểm tra 1.231 lượt về công tác ATTP tại các cơ sở có liên quan đến vấn đề ATTP. Trong quá trình kiểm tra huyện tiến hành nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sử thực hiện đúng các bước đảm bảo ATTP theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhờ vậy trong năm qua trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có cơ sở nào bị xử phạt hành chính.
BS.CKII Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua công tác ATTP đã được cải thiện tốt hơn, đó là nhờ công tác thanh, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Không xảy ra đơn thư khiếu nại ở các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn gặp một số khó khăn về nhân sự, cơ chế xử phạt vẫn còn cả nể...
Thanh Tú