BS.CKII Nguyễn Tường Quang - Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, được sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy và đơn vị đột quỵ Bệnh viện ĐK Đồng Nai, từ tháng 10-2024 Bệnh viện ĐK Thống Nhất bắt đầu triển khai kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ điều trị cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (đột quỵ não). Chỉ hơn 2 tháng triển khai, bệnh viện đã cứu nhiều bệnh nhân đột quỵ thoát khỏi cơn nguy kịch, trở về cuộc sống bình thường.
Điển hình là trường hợp ông P.V.C, (43 tuổi, ngụ tại ấp 3, thị trấn Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) khởi phát đột quỵ và nhập viện với các triệu chứng nói ngọng, méo miệng, yếu liệt nặng nửa người bên phải. Sau khi thăm khám và kết quả chụp MRI não cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não đa ổ bán cầu não bên trái và tắc đoạn cuối động mạch não giữa bên trái. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định can thiệp mạch máu não lấy huyết khối.
Bệnh nhân P.V.C, (43 tuổi, ngụ tại ấp 3, thị trấn Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) đã đi lại bình thường sau 3 ngày được tái thông mạch máu não.
Trong khoảng 110 phút ca can thiệp đã thành công tốt đẹp, tình trạng bệnh nhân được cải thiện dần. 3 ngày sau, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng gì sau can thiệp và được xuất viện sau 8 ngày điều trị.
Một trường hợp khác là cụ bà T.T.X., (75 tuổi, ngụ tại xã Phú An, H.Tân Phú) vào viện trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, nói khó, yếu liệt toàn thân bên trái, méo miệng. Do đột quỵ nặng giờ thứ 6, quá chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết nên bệnh nhân được chụp MRI sọ não, kết quả bệnh nhân bị nhồi máu não bán cầu phải và tắc mạch máu lớn (động mạch não giữa phải đoạn M1). Êkip quyết định can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ tái thông mạch máu tắc cho bệnh nhân.
Bác sĩ thăm khám cho cụ bà T.T.X. (75 tuổi, ngụ tại xã Phú An, H.Tân Phú) sau khi được can thiệp lấy huyết khối.
BS.CKII Nguyễn Đình Thái – Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết, từ khi bệnh nhân vào cấp cứu đến khi được can thiệp trong vòng 90 phút cục huyết khối khoảng 5-6 mm đã được lấy ra, mạch máu não được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân hồi phục nhanh, đến nay đã hết méo miệng, có thể nói rõ ràng, sức cơ 2 bên cũng trở về gần như nhau, có thể đi lại, ăn uống bình thường.
Theo BS Thái, trước đây những trường hợp đột quỵ phải can thiệp lấy huyết khối đều phải chuyển lên Bệnh viện ĐK Đồng Nai, nhưng từ tháng 10/2024 Bệnh viện ĐK Thống Nhất đã triển khai thành công kỹ thuật này. Đây cũng là bệnh viện thứ 2 trong tỉnh thực hiện được kỹ thuật này, sau Bệnh viện ĐK Đồng Nai. Đến nay Bệnh viện ĐK Thống Nhất đã can thiệp 6 ca, trong đó có 4 ca phục hồi hoàn toàn không để lại di chứng gì và 2 ca phục hồi tương đối tốt.
Hầu hết các ca nhập viện đều có triệu chứng rối loạn ý thức, méo miệng, nói ngọng, yếu liệt nửa người. Các bệnh nhân vào viện sau 6 giờ kể từ lúc khởi phát đột quỵ đều nằm trong cửa sổ can thiệp lấy huyết khối (tức trong cửa sổ 24 giờ), nếu ngoài cửa sổ này thì bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết.
BS Thái khuyến cáo, sau khi xuất viện, bệnh nhân cần lưu ý về các vấn đề trong sinh hoạt hằng ngày như ăn uống lành mạnh, từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc các chất kích thích, ít hoạt động thể lực; thực hiện tái khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để dự phòng đột quỵ tái phát.
Hiện nay số ca đột quỵ không ngừng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, do đó phòng ngừa đột quỵ là vô cùng quan trọng, người dân cần chú ý một số vấn đề sau:
Đối với người chưa bị đột quỵ, qua thăm khám sức khỏe tổng quát hoặc khám các bệnh lý khác phát hiện có những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn mỡ máu,… thì tiến hành điều trị dự phòng tiên phát đột quỵ bằng cách ăn uống khoa học, tăng cường hoạt động thể lực, bỏ những thói quen xấu như rượu, bia, thuốc lá,… và điều trị triệt để các bệnh lý có nguy cơ gây đột quỵ.
Đối với các bệnh nhân đã từng bị đột quỵ thì tìm các nguyên nhân gây ra đột quỵ và các yếu tố nguy cơ để dự phòng đột quỵ tái phát.
Bích Ngọc