Hưởng ứng “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển” năm 2024, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) đã triển khai khám và tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho bệnh nhân trong 5 ngày, từ ngày 4 – 8/11.
ThS.BS Đoàn Quyết Thắng – Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng cho hay, trong đợt khám dinh dưỡng lần này bệnh nhân sẽ được khám, tư vấn về dinh dưỡng, đồng thời được phân tích thành phần cơ thể (tỉ lệ mỡ, cơ, nước) bằng máy đo InBody hiện đại và hoàn toàn miễn phí. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý của từng bệnh nhân.
Trong đợt khám dinh dưỡng lần này lượng bệnh nhân đến khá đông, trung bình mỗi buổi có khoảng 40 bệnh nhân, chủ yếu là những người mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, bệnh thận…
Bệnh nhân đang được thực hiện phân tích thành phần cơ thể (tỉ lệ mỡ, cơ, nước) bằng máy đo InBody hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Me, ở xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc cho biết, bà bị bệnh thận nặng, tiểu đường đã 10 năm nay, hôm nay bà đến khám bệnh theo định kỳ, được biết bệnh viện tổ chức khám dinh dưỡng miễn phí nên bà cũng đến khám để biết tình trạng sức khoẻ của mình như thế nào. Qua đợt khám lần này bà cảm thấy vui và hài lòng vì được các bác sĩ tư vấn kỹ càng về chế độ dinh dưỡng phù hợp với các bệnh lý và được đo phân tích cơ thể bằng máy đo hiện đại. Qua các chỉ số đo sức khoẻ của bà, bác sĩ cho biết bà bị teo cơ tay, cơ chân, nội tạng có mỡ.
Còn chị Phạm Thi Tuyết Trinh, 41 tuổi ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa cho hay, hôm nay chị đưa mẹ đi khám bệnh, nhân tiện chị cũng khám dinh dưỡng để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của mình luôn. Qua khám và thực hiện phân tích cơ thể bằng máy, bác sĩ cho biết chị bị thiếu mỡ, thiếu dinh dưỡng, cần bổ sung thêm thịt, cá, sữa…
ThS.BS Đoàn Quyết Thắng cho biết thêm, đối với mỗi bệnh lý khác nhau sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau, cụ thể với bệnh nhân đái tháo đường thì phải chú ý sử dụng các sản phẩm có chỉ số đường thấp, ăn nhiều rau, bên cạnh đó cần phải chú ý tới lượng chất đạm, chất béo đảm bảo đủ năng lượng cho bệnh nhân. Còn đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần phải hạn chế lượng muối. Với bệnh nhân bị bệnh thận, thì tuỳ theo mỗi giai đoạn khác nhau mà lượng năng lượng đưa vào khác nhau, điều đáng chú ý với người bị bệnh thận cần phải giảm lượng đạm, sử dụng các loại rau, trái cây phù hợp để tránh tình trạng tăng ka li trong máu…
ThS.BS Đoàn Quyết Thắng - Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện ĐK Thống Nhất tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Chế độ dinh dưỡng không chỉ quan trọng với người bệnh mà đối với người bình thường cũng rất quan trọng. Vì vậy để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, chúng ta cần ăn theo quy tắc "chiếc đĩa", tức chia thành phần thức ăn thành ba phần, gồm tinh bột, rau xanh, protein, giúp tránh ăn uống vô độ, từ đó kiểm soát cân nặng hiệu quả, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, vận động ít nhất 30 phút/ngày…
Việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò rất lớn trong phòng và điều trị bệnh. Ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng cũng có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe mà còn gia tăng sức đề kháng bảo vệ cơ thể về sau.
Thanh Tú