Ngày 01/8/2022, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn 25-HD/BCĐTW hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021. 

Theo đó, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CCVC) được hiểu là những hành vi trái với Điều lệ, Cương lĩnh, nghị quyết, quy chế, quy định, chỉ thị, kết luận,... của Đảng (gọi chung là chủ trương, đường lối, quy định của Đảng), pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, CCVC mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Đối với hành vi tham nhũng, theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 thì Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Luật PCTN cũng quy định rõ các hành vi tham nhũng vì vụ lợi do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;…

Như vậy, đối tượng phòng chống tham nhũng, tiêu cực là các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, CCVC, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Những hành vi tiêu cực cần phòng, chống

Theo Hướng dẫn 25-HD/BCĐTW, có 19 hành vi tiêu cực bao gồm:(1) Nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (2) Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, không tôn trọng ý kiến của tập thể; Không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác; (3) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng; (4)

Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết để trục lợi; (5) “Tư duy nhiệm kỳ”, cơ hội, vụ lợi, nhất là hành vi lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể…; (6) Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc có nhiều sơ hở, bị lợi dụng gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức, cá nhân; “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” trong xây dựng chính sách, pháp luật; (8) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực; (9) Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng, ngân hàng, y tế, bảo hiểm, đấu thầu,… Không thực hành tiết kiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ trái quy định; (10) Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, kỷ luật, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định;…

Hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Những hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định. Theo đó, Điều 17 Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, có 3 hình thức xử lý kỷ luật như sau:

(1) Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Không lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng, Nhà nước; Không lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định; Buông lỏng lãnh đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

(2) Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại Khoản (1) gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo: Không xử lý, bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân tham nhũng, tiêu cực và vi phạm quy định về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; Ban hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp mình về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Không xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, ở cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý; Không lãnh đạo, chỉ đạo hoặc có hành vi cản trở hoạt động thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, tiêu cực; Chỉ đạo chỉ xử lý nội bộ hoặc xử lý về hành chính đối với cá nhân tham nhũng, tiêu cực, có dấu hiệu tội phạm;  Bàn và thống nhất nhận tiền, tài sản không hợp pháp để sử dụng cho tập thể hoặc thành viên trong tổ chức đảng.

(3) Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức giải tán: Ban hành nghị quyết, quyết định chống lại chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, bè phái gây mất ổn định chính trị, xã hội; tham nhũng có tổ chức.

Bên cạnh đó, Bộ Luật hình sự hiện hành cũng quy định các khung hình phạt đối với các tội tham nhũng như: Tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ ,quyền hạn trong khi thi hành công vụ, … Theo đó, tội tham ô tài sản có thể bị phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên; ngoài ra còn chịu hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Hoặc phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm, đồng thời chịu hình phạt bổ sung theo luật định…

Bích Ngọc

Share with friends

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN