Ngày 14-2- 2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1/2018/BYT) và quy định kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt có hiệu lực từ ngày 15/06/2019 thay thế cho QCVN 01/2009/BYT đối với nước ăn uống và QCVN 02/2009/BYT đối với nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên hiện nay nhiều đơn vị cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn QCVN 01-1-2018/BYT.
Nhiều cơ sở cấp nước đang áp dụng quy chuẩn cũ
Theo quy định, đối với các cơ sở cấp nước thành thị có công suất trên 1 ngàn mét khối/ngày đêm và các cơ sở cấp nước có công suất dưới 1 ngàn mét khối/ngày đêm đang cấp nước cho khu vực thành thị, nông thôn hiện đang áp dụng quy chuẩn cũ phải áp dụng ngay QCVN 01-1/2018/BYT chậm nhất đến ngày 30/6/2021. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà việc áp dụng này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn đối với các cơ sở cấp nước nông thôn.
CN. CKI Lương Trường Vĩnh, Phó khoa sức khỏe môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), cho biết ngoài các cơ sở cấp nước thuộc TP.Biên Hoà đã cơ bản đạt QCVN 01-1/2018/BYT thì các cơ sở cấp nước của 10 huyện, thành phố Long Khánh hiện vẫn chưa thể áp dụng quy chuẩn này trong khi lộ trình chậm nhất đến 30/6/2021 phải hoàn thành.

Hệ thống cấp nước tập trung xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh.
Trong năm 2020, CDC đã tiến hành kiểm tra 42 cơ sở cấp nước tại 10 huyện, thành phố Long Khánh. Qua đó phát hiện 38 cơ sở chưa thực hiện việc lập và quản lý hồ sơ theo dõi, quản lý chất lượng nước, chưa thực hiện kiểm tra chất lượng nước định kỳ, chưa thực hiện công khai thông tin và báo cáo chất lượng nước cung cấp kết quả xét nghiệm cho khách hàng dùng nước khi có yêu cầu…
Được biết, hiện 100% các đơn vị cấp nước hiện nay sử dụng nguồn nước ngầm làm nguyên liệu đầu vào. Trong 42 cơ sở được kiểm tra có 26 cơ sở cấp nước có hệ thống xử lý và 16 cơ sở cấp nước trực tiếp từ giếng khoan thông qua bể chứa, không có hệ thống xử lý. Hầu hết các công trình xử lý nước đã xuống cấp, hoạt động không ổn định, đặc biệt là hệ thống châm khử trùng, nâng pH, khử sắt và mangan. Đa số hệ thống cấp nước do các hợp tác xã hoặc tư nhân quản lý, hoạt động thiếu hiệu quả do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, không có nhân lực đáp ứng chuyên môn về quản lý, vận hành trạm cấp nước.
Đáng chú ý trong số 42 mẫu được kiểm tra chỉ có 12 mẫu đạt tiêu chuẩn QCVN 02/2009/BYT chiếm 28,2%, vẫn còn 30 mẫu không đạt chiếm tới 71,4%. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy có 14 mẫu nhiễm vi sinh vật và 27 mẫu không đạt tiêu chuẩn về hóa lý.
Theo ông Vĩnh, do đa số hiện nay các đơn vị cấp nước mới chỉ đạt QCVN 02/2009/BYT, thậm chí có những đơn vị cấp nước chưa đạt trong khi quy chuẩn cũ này chỉ có 14 chỉ tiêu thì việc các cơ sở cấp nước phải đạt QCVN 01-1/2018/BYT với 99 chỉ tiêu sẽ là rất khó khăn, tuy nhiên nếu buộc các cơ sở này ngưng sản xuất thì sẽ không có nguồn nước cung cấp cho người dân sử dụng. Vì vậy cần có sự vào cuộc của các cấp ngành địa phương, sự nỗ lực của chính các cơ sở cấp nước hiện nay nhằm đem lại nguồn nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân.
Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành địa phương
Nói về những khó khăn hiện nay, Phó khoa sức khoẻ môi trường CDC băn khoăn, về công nghệ xử lý nước có công suất dưới 1 ngàn mét khối/ngày đêm đang cấp cho khu vực nông thôn hiện rất lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, người vận hành thiếu chuyên môn, kĩ thuật… Việc đạt được QCVN 01-1/2018/BYT cần có sự đầu tư kinh phí rất cao trong khi đó số hộ sử dụng ít, giá nước bán cho người dân thấp, các cơ sở cấp nước này đều do nhà nước đầu tư sau đó bàn giao cho UBND các xã quản lý và vận hành.
Trước mắt CDC sẽ tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh bố trí kinh phí xét nghiệm nước định kì theo hướng dẫn của Thông tư số 41/2018/TT-BYT. Với các cơ sở cấp nước phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước đặc biệt là hệ thống khử trùng, đảm bảo hàm lượng Clo dư theo quy định. Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra chất lượng nước đình kỳ và lập hồ sơ quản lý chất lượng nước và định kỳ báo cáo theo quy định. TTYT các huyện, thành phố Long Khánh tăng cường giám sát chất lượng nước theo thẩm quyền quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh môi trường, kiến thức về sử dụng và bảo quản nguồn nước đến từng hộ dân.
Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì tham mưu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho tỉnh Đồng Nai đồng thời xin ý kiến của các bộ, ban, ngành trước khi ban hành.
Hoàn Lê