Sáng ngày 15-4, Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai năm 2025. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo; ThS Võ Thị Ngọc Lắm - Phó Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, cùng với 135 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, phòng y tế các huyện, thành phố và các cơ quan doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ThS Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn đã được hình thành và phát triển. Các hoạt động truyền thông, thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh; nhận thức của người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện sự chuyển biến trong tư duy và hành động trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và bất cập: Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học; Thức ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao do thiếu kiểm soát nguyên liệu, điều kiện chế biến, bảo quản; thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe cộng đồng.
Do đó, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (từ ngày 15/4 đến 15/5), với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung vào các hoạt động chính như: tổ chức lễ phát động, các chiến dịch truyền thông sâu rộng tại các huyện, xã, phường, thị trấn; Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các địa bàn trọng điểm; Huy động hệ thống chính trị, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc.

Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, năm 2024, qua kiểm tra, hậu kiểm hơn 17,1 ngàn cơ sở thực phẩm trong tỉnh cho thấy có hơn 1,5 ngàn cơ sở vi phạm. Trong đó, đã xử phạt 930 cơ sở với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đã buộc đóng cửa 1 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề thú y 2 tháng đối với 5 trường hợp; khởi tố điều tra 2 vụ với 2 bị can về tội vi phạm quy định về ATTP; tịch thu tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Từ thực tế đó cho thấy, công tác quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập. Tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và gây áp lực cho công tác điều trị cũng như việc đảm bảo an ninh, ATTP.
Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải nhận thức sâu sắc về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Phải triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để đảm bảo ATTP, tránh tình trạng ra quân thì rầm rộ, hình thức hoành tráng nhưng kết quả thu về lại không như mong muốn.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công thương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật về ATTP của doanh nghiệp, người dân. Qua đó, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và xử lý kịp thời nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Thanh Tú