Ăn dặm là ăn bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Đây là giai đoạn quan trọng đối với trẻ, vì đây là thời kỳ trẻ bắt đầu làm quen với những thực phẩm mới. Vì vậy, phụ huynh nên chuẩn bị kiến thức để cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm và đúng cách, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
Vì mới sinh con lần đầu nên chị Hoàng Thị N. (27 tuổi, ở phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa) không có kinh nghiệm nhiều trong cách chăm sóc bé cũng như cho bé ăn dặm. Nghe lời ông bà chị cho bé ăn sớm để trẻ cứng cáp hơn và không bị đói, 4 tháng tuổi chị N. đã tập cho bé ăn dặm.
Trái ngược với trường hợp chị N., chị Nguyễn Lam H. (30 tuổi, ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) lại cho con của mình ăn dặm muộn hơn. Chị quan niệm nuôi con bằng sữa mẹ tăng sức đề kháng, tốt cho sự phát triển của trẻ nên trẻ bú càng lâu càng tốt, tới hơn 7 tháng tuổi chị mới cho trẻ ăn dặm.
BS.CKI Ma Va Liên, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, phụ huynh không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm và quá muộn. Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ làm giảm số lần bú mẹ và lượng sữa mẹ, phản xạ nhai nuốt của trẻ chưa hoàn chỉnh dễ bị sặc, hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh (vì dạ dày của trẻ nhỏ, nằm cao và nằm nghiêng nên ăn nhiều dễ bị nôn trớ; các men đường tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, nhất là men tinh bột) sẽ dễ dẫn đến rối loại tiêu hóa khi cho trẻ ăn dặm bột sớm. Còn nếu phụ huynh cho trẻ ăn dặm trễ sẽ không cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của trẻ. Đồng thời, vị giác trẻ phát triển tốt, trẻ đã có nhận thức nếu tập ăn trễ trẻ có phản xạ ức chế phân biệt và khó tiếp nhận thức ăn mới.

BS Ma Va Liên đang tư vấn chế độ dinh dưỡng ăn dặm cho trẻ cho một phụ huynh đang có con chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm.
Do đó, trẻ từ 4-6 tháng tuổi phụ huynh cân nhắc cho trẻ ăn nếu sau khi bé bú xong vẫn chưa no và không tăng cân, vì sữa mẹ lúc này không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Còn nếu trẻ uống sữa công thức thì từ 6 tháng tuổi trở đi phụ huynh nên cho trẻ ăn dặm.
Phụ huynh không nên quá áp đặt đối với trẻ
Theo bác sĩ Liên, khi trẻ mới tập ăn dặm phụ huynh không nên ép trẻ ăn nhiều, tạo áp lực cho trẻ. Mặc dù bước sang giai đoạn ăn dặm nhưng trẻ dưới 1 tuổi sữa vẫn là nguồn thực phẩm chính đối với trẻ. Nếu cha mẹ tạo cho trẻ áp lực quá sẽ khiến cho trẻ sợ ăn dặm, trẻ biếng ăn hơn và việc tập cho trẻ ăn dặm càng trở nên khó khăn hơn.
Ở giai đoạn mới tập cho trẻ ăn dặm nên cho trẻ ăn từ bột ngọt sau đó chuyển sang bột mặn, ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt và đặc dần, từ mềm sang cứng, từ ít thành phần sang nhiều thành phần. Thực phẩm ban đầu phụ huynh có thể lựa chọn cho trẻ như: khoai tây, khoai lang, bí đó tán nhuyễn; đu đủ, chuối, xoài (chín)… nạo nhuyễn. Nên lựa chọn những thức ăn mềm để trẻ dễ tập ăn, cho trẻ ăn vào thời điểm nhất định trong ngày. Khi trẻ đã ăn quen dần, cần cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, dầu ăn, rau) trong mỗi bữa ăn do trẻ không có khả năng ăn bù. Khi trẻ bắt đầu ăn thịt nên cho trẻ ăn thịt trắng trước rồi đến thịt đỏ, sau đó cho ăn cá thì nên cho trẻ ăn cá đồng trước.
“Phụ huynh nên cho trẻ ăn theo độ tuổi phù hợp, bắt đầu ăn dặm cho trẻ ăn 1 cữ, dần về sau tùy theo nhu cầu từng trẻ tăng cữ ăn của bé lên, đến 10 tháng tuổi trẻ phải ăn đủ 3 cữ và đa dạng thức ăn. Chất và lượng thức ăn tăng dần, không kéo dài thời gian mỗi bữa ăn vì sẽ gây ra chán ăn (mỗi bữa ăn chỉ nên 30 phút). Thức ăn của trẻ phải luôn tươi, mới vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa tốt nên dễ bị gây ngộ độc thực phẩm. Với mỗi loại thực phẩm, phụ huynh nên cho trẻ ăn 5-7 ngày liên tiếp, không nên bỏ ngay khi thấy trẻ không thích hoặc không hợp tác, sau đó mới tập sang loại thực phẩm khác. Đặc biệt, phụ huynh nên chú ý khi thấy trẻ rất thích ăn, háo hức ăn không nên cho trẻ ăn nhiều sẽ dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, giảm (bỏ) bú… Hiện nay có nhiều phụ huynh có quan niệm hầm xương, rau củ lấy nước cho con ăn, tuy nhiên chất đạm, xơ nó chỉ nằm trong phần xác của thức ăn và rau chứ không có ở trong nước hầm, nên phụ huynh cân nhắc điều này” – BS Liên khuyến cáo.
Sao Mai