Là một quốc gia nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm, môi trường sinh sống và tập tục ăn uống vô cùng đa dạng, nhu cầu nuôi thú cưng như chó, mèo nuốt phải trứng giun ngày càng nhiều, nên việc nhiễm các loại giun là điều khó tránh khỏi.
BS.CKI Trần Thị Vinh, chuyên khoa da liễu, Khoa Nội tổng quát - Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết: Bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo hay toxocara là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người. Người nhiễm loại giun này có triệu chứng bệnh không rõ ràng và đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tác nhân gây bệnh chính là ấu trùng giun đũa chó mèo. Nguồn bệnh chính là chó, mèo nhiễm Toxocara spp., đặc biệt chó mèo con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người. Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn.
Bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực; đau bụng, khó tiêu, tăng globulin máu, tăng bạch cầu ưa a xít không thường xuyên. Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80-90%.

Ảnh minh hoạ.
Con đường lây truyền thường là: Người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun đũa chó, mèo. Người ăn phủ tạng hay thịt sống, chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ; Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
“Khi một người có các yếu tố như: tiếp xúc với chó mèo, hoặc chơi nghịch đất cát, ăn đồ tái sống, có thể có một vài triệu chứng như : ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó tiêu, gan to, tổn thương mắt, giảm thị lực, và có kết quả xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán toxocara dương tính thì người đó mắc bệnh” - BS Vinh nói.
Để hạn chế nhiễm bệnh Toxocara cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo. Với chó, mèo con, cần tẩy giun liều đầu tiên ngay khi chúng mới sinh ra 2-3 tuần tuổi (vì chó, mèo con có thể nhiễm giun từ mẹ trước hoặc sau sinh, hoặc qua đường sữa và chó con thường đào thải trứng nhiều trong môi trường), tẩy 3 lần cách nhau mỗi 2 tuần và sau đó nhắc lại 6 tháng một lần. “Đặc biệt cần thu dọn, loại bỏ ngay phân của thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm. Rửa sạch tay sau khi sờ hay chơi với các thú cưng và vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi nguy cơ nhiễm. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Cọ, rửa sạch nơi vui chơi của trẻ em” - BS Vinh khuyến cáo.
Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vừa qua, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương TS.BS Hoàng Đình Cảnh cho biết, số bệnh nhân đến viện xét nghiệm các bệnh lý về ký sinh trùng ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, khoa này xét nghiệm cho khoảng 150-200 bệnh nhân. Những ngày cao điểm, số lượng lên tới 250 trường hợp.
Mai Chi (ghi)