Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật bàn chân xảy ra trong thời kỳ bào thai. Dị tật này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ, tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời ngay sau sinh, khả năng phục hồi ở trẻ rất cao.
Mới đây, anh Lê Hải Quân cùng vợ (ngụ ở xã Suối Cát, H. Xuân Lộc) đã đưa con trai 2 tuần tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để bó bột, điều trị dị tật khoèo chân cho con.
Anh Quân cho biết, lúc cháu mới sinh, vợ chồng anh thấy chân của cháu bị cong, 2 bàn chân quặp vào trong. Lo lắng, nên vợ chồng anh đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị dị tật bàn chân khoèo và cần phải bó bột nhiều lần để điều trị.
“Đây là lần thứ 2 chúng tôi đưa cháu đến bệnh viện để bó bột. So với lúc ban đầu, giờ chân cháu đỡ nhiều. Bác sĩ dặn khi bó bột xong, về nhà phải theo dõi chân của cháu, nếu thấy chân cháu bị tím thì gọi cho bác sĩ ngay, còn chân cháu hồng hào, cháu chơi bình thường thì cứ theo lịch hẹn lần sau đưa cháu đến bó bột điều trị tiếp”, – anh Quân cho hay.

BS.CKII Phạm Văn Khương chỉ cách phân biệt bàn chân khoèo như trong mô hình.
Đánh giá tình trạng dị tật bàn chân khoèo của con trai anh Quân, BS.CKII Phạm Văn Khương, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, tình trạng dị tật bàn chân khoèo của bé không nặng lắm nên có thể bó bột 3 – 4 lần. Sau bó bột, bé sẽ mang giày chỉnh hình cho đến 4 tuổi.
Cũng theo BS.CKII Phạm Văn Khương, hiện mỗi tháng, Khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng tiếp nhận khoảng 2-3 trẻ sơ sinh bị dị tật bàn chân khoèo đến điều trị. Các bác sĩ của khoa đã áp dụng phương pháp Ponseti (bó bột- nắn chỉnh) để điều trị dị tật này. Với phương pháp này, các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ nắn chỉnh, bó bột từ đùi xuống bàn chân cho trẻ. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà số lần bó bột của mỗi trẻ cũng khác nhau, có thể từ 4-10 lần. Đối với những ca nặng sẽ có các can thiệp tiếp theo như mổ chỉnh hình giải phóng một số gân cơ bị co rút. Sau khi bó bột và can thiệp, trẻ phải mang giày chỉnh hình tới 4-5 tuổi.
“Điều trị bàn chân khoèo không phức tạp, nếu điều trị sớm khả năng thành công lên tới 100%, còn điều trị càng trễ càng khó. Trong quá trình điều trị, người nhà phải kiên trì và tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ để đạt hiệu qủa cao. Ngược lại, bàn chân khoèo nếu không điều trị, khi lớn lên sẽ dẫn đến tàn tật vận động, khó khăn trong lao động, sinh hoạt và mặc cảm tâm lý”- BS Khương cho biết thêm.

BS.CKII Phạm Văn Khương cùng đồng nghiệp thực hiện bó bột bằng phương pháp Ponseti để điều trị bàn chân khoèo cho trẻ.
Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật bàn chân xảy ra trong thời kỳ bào thai, với biểu hiện nhón gót và vẹo trong, gồm ba biến dạng: Gập lòng khớp cổ chân, vẹo trong và áp bàn chân. Nghiên cứu cho thấy dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh gặp ở khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh.
Các dấu hiệu phát hiện trẻ bị dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh bao gồm: Khép và nghiêng trong phần trước, giữa bàn chân; Bàn chân có hình dáng như cây gậy chơi golf (gập lòng bàn chân); Mép ngoài bàn chân cong; Nếp làn da sau gót bàn chân rõ; Giới hạn duỗi bàn chân và gập cổ chân; Các dị tật khác có thể kèm theo như trật khớp háng, cứng khớp gối, trật khớp xương bánh chè, cứng khớp khuỷu, bàn tay khoèo.
Nguyên nhân dẫn đến dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh đến nay vẫn chưa rõ, cách phát hiện sớm nhất thông qua siêu âm thai kỳ. Do vậy phụ nữ khi mang thai cần đi khám thai định kỳ, siêu âm thai để phát hiện sớm các dị tật. Việc phát hiện và điều trị sớm chính là chìa khóa giúp trẻ phục hồi chức năng vận động, tự tin hòa nhập cuộc sống.
Phương pháp Ponseti điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh mang lại hiệu quả cao và ít tốn kém, do bác sĩ người Mỹ Ponseti phát minh. Phương pháp này được du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, đến nay nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai được phương pháp này, giúp cho hàng ngàn bệnh nhi thoát khỏi dị tật.
Gia Nhi