TS. BS Trần Minh Hòa – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết: “Năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra cùng lúc nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Bên cạnh những dịch bệnh đang lưu hành địa phương thì cũng xuất hiện thêm dịch bệnh đậu mùa khỉ và sự quay trở lại của bệnh dại. Tuy nhiên, ngành y tế đã chủ động, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống nên tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trong tháng 12 vừa qua, Đồng Nai cũng vừa được Viện Sốt rét KSTCTTW - Bộ Y tế công nhận đã loại trừ sốt rét trên quy mô toàn tỉnh”.

TS.BS Trần Minh Hòa – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.
-------------------------------------------------------------------------------------
Năm 2023, tỉnh Đồng Nai xảy ra cùng lúc nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bên cạnh những dịch bệnh đang lưu hành thì cũng xuất hiện thêm một số dịch bệnh mới nổi, tái nổi. Vậy, ông có đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong năm qua?
Năm 2023 là một năm mà tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Ngoài những bệnh lưu hành tại địa phương thì cũng xuất hiện những bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh truyền nhiễm bị lãng quên cũng đã quay trở lại.
Mặc dù dịch COVID-19 không còn nguy hiểm như trước đây và đã được Bộ Y tế xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, nhưng hiện nay vẫn đang ở giai đoạn hậu COVID với gần 2600 ca mắc (giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022).
Dịch bệnh sốt xuất huyết, Năm 2023, ghi nhận gần 5000 ca mắc, giảm 79,8% so với cùng kỳ 2022, trong đó có 05 ca tử vong, giảm 14 ca so với cùng kỳ 2022.

TS.BS Trần Minh Hòa hướng dẫn người dân diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Dịch tay chân miệng năm nay có trên 10.600 ca mắc, tăng gần 53% với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, không có ca tử vong. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác điều trị các ca tay chân miệng.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 9-2023, đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Đồng Nai với 2 ca mắc, không có ca tử vong.
Sau khoảng 8 năm vắng bóng, thì năm 2023 dịch dại quay trở lại với 20 ổ dịch trên động vật được ghi nhận trên địa bàn tỉnh và có 2 ca bệnh dại tử vong ở người.
Về dịch HIV, trong năm 2023, có gần 600 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, nâng tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh lên khoảng 7000 người.
Một thành công đáng ghi nhận trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua là tháng 12/2023, Đồng Nai được Viện Sốt rét KSTCTTW - Bộ Y tế công nhận đã loại trừ sốt rét trên quy mô toàn tỉnh.
Nhìn chung, năm 2023, tình hình các dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, nhưng nhờ chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và chống dịch hiệu quả nên tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Gần 100% ca bệnh, ổ dịch được điều tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Số ca mắc/100.000 dân các bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2018 – 2022 đều giảm mạnh.
Như ông vừa chia sẻ, năm 2023 cũng là năm đầu tiên xuất hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ tại Đồng Nai. Vậy, CDC đã ứng phó với dịch bệnh mới nổi này như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ năm 1970, với ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Cộng hòa nhân dân Công-gô. Những giai đoạn tiếp sau đó dịch vẫn tiếp tục rải rác, chủ yếu ở châu Phi. Đến tháng 7 năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh đậu mùa khỉ trên quy mô toàn cầu với khoảng 169.000 ca mắc tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đậu mùa khỉ mới xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2022 và lần đầu xuất hiện tại Đồng Nai từ tháng 9 năm 2023. Tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 118 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, với 6 trường hợp tử vong. Riêng tỉnh Đồng Nai ghi nhận 2 ca mắc, không có ca tử vong. Đối tượng mắc đậu mùa khỉ có độ tuổi chủ yếu từ 18-49, đa số là nam có quan hệ tình dục đồng giới (chiếm 80% số ca mắc).
Ngay từ khi ca đậu mùa khỉ đầu tiên xuất hiện trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly theo dõi, điều trị và truy vết ca bệnh, không để lây lan ra cộng đồng. CDC cũng đã tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng nhận biết và điều trị đậu mùa khỉ cho các cơ sở y tế vì đây là những điểm đầu tiếp nhận các ca nghi ngờ mắc bệnh đến khám. Nhằm mục đích kịp thời phát hiện ca nhiễm để cách ly điều trị, không bỏ sót ca bệnh, không để lây lan ra cộng đồng. Ngành y tế cũng tăng cường công tác truyền thông sâu rộng, với đa dạng các hình thức tuyên truyền qua báo, đài, trang thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội, đến các hình thức tuyên truyền trực tiếp tại địa phương. Đặc biệt, tập trung vào nhóm đối tượng đích là nam có quan hệ tình dục đồng giới. Qua đó, nâng cao nhận thức để người dân biết và tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh.
Nhờ việc chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống đậu mùa khỉ ngay từ khi bệnh mới xuất hiện, nên đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, với 100% các ca bệnh được phát hiện, cách ly điều trị, không để lây lan ra cộng đồng.
Sau gần 8 năm vắng bóng, năm 2023 bệnh dại quay trở lại với 20 ổ dịch tại các địa phương trong tỉnh. Ông có thể cho biết nguyên nhân khiến dịch dại bùng phát trở lại và các biện pháp phòng, chống mà ngành y tế tỉnh đã triển khai?
Từ năm 2015-2022, bệnh dại gần như không xuất hiện trên địa bàn. Đến cuối năm 2022 dịch xuất hiện trở lại. Riêng năm 2023, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 20 ổ dịch dại trên động vật và 2 ca tử vong trên người. Có nhiều yếu tố khiến bệnh dại quay trở lại, nhưng nguyên nhân chính là giai đoạn dịch COVID – 19, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho động vật và người đều đạt thấp, virus dại hoang dã vẫn còn lưu hành.
Để kịp thời chống dịch, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và từng hộ dân nhằm chặn đứng nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại. Ngành y tế cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với ngành thú y, nỗ lực triển khai các giải pháp tích cực phòng chống dịch. Trong đó, tập trung khâu điều tra, xử lý ổ dịch, chích ngừa dại cho người bị chó, mèo cắn. Tăng cường các biện pháp truyền thông để người dân hiểu được mối nguy hiểm của bệnh dại, chủ động đưa chó mèo đi tiêm vaccin ngừa dại, không thả rong chó mèo; khi bị chó, mèo cào, cắn thì phải nhanh chóng đi tiêm ngừa dại. Đến cuối năm, dịch dại đã không còn ca tử vong trên người.
Tiêm chủng được coi là lá chắn bảo vệ sức khỏe người dân trước các dịch bệnh, tuy nhiên, năm 2023, một số loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bị thiếu suốt thời gian dài. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch tiêm chủng cũng như miễn dịch cộng đồng, thưa ông?
Năm 2023, giai đoạn hậu COVID-19, trong tiêm chủng mở rộng, tình trạng thiếu vắc xin kéo dài. Đặc biệt, thiếu vaccin 5 trong 1. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng còn thấp, chỉ đạt 75,1%.
Việc thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng trong thời gian kéo dài là điều rất đáng lo ngại vì khi miễn dịch cộng đồng giảm sẽ tạo cơ hội cho các mầm bệnh xâm nhập, lây lan và bùng phát thành dịch. Việc thiếu vaccine là khó khăn chung của cả nước. Về phía địa phương, tỉnh đã chủ động thống kê, đề xuất số trẻ và số vắc xin cần tiêm gửi Bộ Y tế. Đồng thời, sẵn sàng nhân lực, vật lực cho công tác tiêm chủng để ngay khi có vắc xin phân bổ sẽ triển khai sớm và hiệu quả công tác tiêm ngừa cho trẻ.
Năm 2024, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào và CDC Đồng Nai có kế hoạch ra sao để chủ động phòng chống hiệu quả nhất, thưa ông?
Năm 2024, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là với các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, HIV; dịch bệnh mới nổi và tái nổi như dại, đậu mùa khỉ v.v. Do đó, ngay từ đầu năm, CDC đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2024 để có thể chủ động triển khai. Với mục tiêu chung là: Giảm tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế kịp thời, không để xảy ra trường hợp ổ dịch lan rộng, kéo dài.
Trong đó, tập trung vào các hoạt động truyền thông, nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, xử lý ổ dịch không để lây lan trên diện rộng. Chuẩn bị đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nhân lực để phòng chống dịch kịp thời và điều trị hiệu quả các ca bệnh, giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong.
Đối với dịch chân tay miệng, tùy theo tình hình dịch có thể sẽ triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, nhất là thời kỳ cao điểm dịch.
Về sốt xuất huyết, chú trọng các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng cần chủ động triển khai sớm; cùng với việc điều tra ca bệnh, điều tra côn trùng, xử lý ổ dịch sớm, triệt để; có thể thực hiện các đợt phun hóa chất diện rộng chủ động, dập dịch. Với bệnh dại, ngành y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch và tuyên truyền người dân tham gia tiêm ngừa phòng dại cho chó mèo và cho bản thân khi bị chó mèo cào cắn.
Với bệnh đậu mùa khỉ, dự báo dịch có thể âm thầm lây lan trong cộng đồng nếu không được kiểm soát tốt, do đó, ngành y tế cũng tăng cường truyền thông tập trung vào các nhóm đích, nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đồng thời, kiểm soát tốt ca mắc mới, nhất là các trường hợp từ nước ngoài và từ nơi khác đến, không để dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu đó, ngành y tế hy vọng, năm 2024, dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng dịch bùng phát mạnh, lây lan kéo dài.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Thanh (thực hiện)