Nếu phẫu thuật viên chỉ bắt đầu công việc của mình khi các công đoạn chuẩn bị cho ca mổ đã hoàn tất thì bác sĩ gây mê bao giờ cũng là người vào đầu tiên và ra sau cùng. Công việc của họ thầm lặng, nhưng góp phần quan trọng cho thành công của mỗi ca mổ.
Âm thầm tiếp sức
Với thâm niên công tác 18 năm và làm việc tại Khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện ĐK Đồng Nai từ năm 2010, BS Võ Phúc Thịnh luôn tâm niệm: Đã bước chân vào nghề là phải đặt trách nhiệm của mình lên hàng đầu, đặt tính mạng, sự an toàn của bệnh nhân lên trên hết. Trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê kíp gây mê luôn phải vào phòng mổ trước để làm các công tác chuẩn bị như: đánh giá tình trạng bệnh nhân có đủ sức khỏe mổ hay không, chuẩn bị phòng mổ và các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân. Sau khi gây mê xong, bệnh nhân đi vào giấc ngủ, lúc đó mới đến công việc của các bác sĩ phẫu thuật. Cả ê kíp luôn chuẩn bị một cách tốt nhất để kịp thời xử lý tất cả tình huống có thể xẩy ra đối với một ca phẫu thuật.
Mỗi kíp gây mê gồm một bác sĩ gây mê và một điều dưỡng phụ mê, một chạy ngoài, một típ phục vụ dụng cụ cho ca mổ. Khi đó, bác sĩ gây mê vừa hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật vừa chịu trách nhiệm về chuyên môn như kỹ thuật, thủ thuật gây mê và chức năng sống của người bệnh. “Xong ca mổ, bác sĩ phẫu thuật rời đi, riêng bác sĩ gây mê tiếp nhận lại người bệnh và ê kíp hồi sức vẫn miệt mài làm việc, giúp bệnh nhân thoát mê, thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở và chờ đến lúc nào bệnh nhân tỉnh mới yên tâm”- bác sĩ Thịnh tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhi sau hậu phẫu.
Ở những bệnh nhân nhi, các bác sĩ gây mê hồi sức đối diện với nhiều áp lực hơn. BS Nguyễn Văn Mạnh Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ: Đối với những bệnh nhân mổ theo chương trình, ê kíp có thời gian đánh giá những bệnh mà bệnh nhân đang gặp phải về đường thở, về tim mạch, các bệnh lý đi kèm như hen suyễn, rối loạn đông máu… Tất cả những chẩn đoán đó nhằm mục đích là không đưa bệnh nhân vào vùng nguy hiểm, chuẩn bị hết tất cả các phương tiện để giải quyết về đường thở, vì đây là cứu cánh hàng đầu cho bệnh nhân. Còn ở những bệnh nhân cấp cứu, nhất là đối với những ca đa chấn thương việc chẩn đoán bệnh lý đi kèm rất khó, chỉ có thể đánh giá sơ lược, qua đó dự trù máu và các sinh phẩm cần thiết, nhiều tiền căn không thể biết, hoặc có thể phải bỏ qua. Khó nhất ở những ca phẫu thuật trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì các em chưa phát triển bình thường như người lớn nên trước khi phẫu thuật cả ê kíp phải rất cẩn thận. Có những ca mổ phải mất vài giờ để chờ bệnh nhi tỉnh, huyết áp ổn định khi đó mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi khởi mê, các phẫu thuật viên chính bắt đầu cuộc mổ, thì bác sĩ gây mê sẽ phải theo dõi thật sát sao nhất là lượng máu bị mất của bệnh nhân. “Đặc biệt đối với trẻ em lượng máu trong người rất ít. Nếu mất máu quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng ngưng tim, chúng tôi liên tục trao đổi với phẫu thuật viên xem việc cầm máu được không, cần những can thiệp kịp thời như thế nào, những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến bệnh nhân. Bảo vệ bệnh nhân trong phòng mổ như ủ ấm, truyền máu, truyền dịch, tránh hạ thân nhiệt của bệnh nhân tránh trường hợp rối loạn đông máu, rối loạn ngưng tim”- BS Mạnh nói.
Hạnh phúc chứng kiến bệnh nhân hồi phục
Trong quá trình làm việc, các bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê hồi sức của các bệnh viện đóng vai trò quan trọng, là một phần không thể thiếu cho các cuộc phẫu thuật. Hạnh phúc của họ cũng như các y bác sĩ khác là chứng kiến sự hồi phục của bệnh nhân.
Bác sĩ Võ Phúc Thịnh đã tham gia nhiều ca cấp cứu, trong đó có những ca báo động đỏ của toàn viện. Anh nhớ nhất là một ca bị xe tải cán dập nát đùi, mất một khối lượng máu lớn, huyết áp tụt không đo được. Sau khi nhận tín hiệu báo động đỏ, ê kíp khoa đã có mặt tại Khoa Cấp cứu, quyết định nhanh nhất lúc đó là phải cắt phần dập nát của chân, cầm máu cho bệnh nhân. Trong lúc chuẩn bị những đơn vị máu để truyền, bệnh nhân nhanh chóng được đưa về phòng mổ. Trên đường di chuyển, thang máy bị kẹt, bệnh nhân tím người, mặc dù đã được bóp bóng nhưng nhận thấy dấu hiệu bệnh nhân ngưng tim, BS Thịnh nhảy lên xe của bệnh nhân thực hiện thao tác ép tim đến tận phòng mổ. Khi tới phòng mổ, ê kíp đã sẵn sàng. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được cứu sống, qua ngày hôm sau bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. “Bệnh nhân sống là cả ê kíp cấp cứu hôm đó cũng như sống lại”, - Bs Thịnh cho hay.

Bác sĩ Võ Phúc Thịnh, Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện ĐK Đồng Nai đang tiến hành gây mê cho một bệnh nhân trước khi mổ.
Trải qua 5 năm làm công tác gây mê ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, nhưng BS Mạnh cùng đồng nghiệp chưa để xảy ra một sự cố nào dù là mổ theo chương trình hay cấp cứu. Có nhiều ca mổ cấp cứu tưởng chừng như sự sống của bệnh nhi không còn nữa nhưng với sự quyết tâm và cố gắng, các bác sĩ gây mê hồi sức cùng với bác sĩ các chuyên khoa khác đã kịp thời cứu sống được nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Tháng 6-2023, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân bị vỡ lách do tai nạn giao thông, trước khi bệnh nhân lên bàn mổ, bệnh nhân đã được truyền 1000 ml máu, huyết áp không giữ được. Đối với những bệnh nhân này, việc chẩn mê hết sức thận trọng vì trong trường hợp mất máu quá nhiều, bệnh nhân có thể đã bị ngưng tim. Trong quá trình mổ, bệnh nhân phải ủ ấm máu, truyền máu liên tục. Rất may mắn là sau 2 tuần phẫu thuật và điều trị bé được xuất viện.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân chuyển sang phòng hồi sức để chăm sóc hậu phẫu. Đây là giai đoạn hồi sức phức tạp và quan trọng cần bác sĩ gây mê tập trung. Hồi sức nhằm tiếp tục theo dõi sức khỏe người bệnh, đưa các chức năng sống của bệnh nhân trở về bình thường, thoát khỏi sự thay thế và hỗ trợ của máy móc. Hồi sức sau phẫu thuật còn giảm tỷ lệ đau sau phẫu thuật vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý cũng như sự phục hồi của người bệnh. Đau có thể gây ra stress, rối loạn cơ thể hoặc làm chậm quá trình phục hồi sau phẫu thuật, thậm chí làm tăng nguy cơ trở thành đau mạn tính mà bệnh nhân sẽ phải chịu suốt đời, dù vết mổ đã lành. Khống chế nhiễm trùng vết mổ, giữ được huyết động tốt, điều chỉnh rối loạn đông máu, để không ảnh hưởng đến những cơ quan quan trọng của cơ thể như tim gan, thận, não. Ngoài ra cần phải để ý đến chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau khi hồi phục.
Các bác sĩ gây mê đóng vai trò quan trọng trong từng ca mổ, nhưng sau khi ca mổ thành công, họ cũng ít được bệnh nhân biết đến, thế nhưng với họ niềm hạnh phúc lớn lao nhất đó là góp phần cứu sống bệnh nhân, là thấy mỗi ca mổ đều thành công tốt đẹp.
Mai Liên