Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã phẫu thuật tạo hình khí quản, điều trị sẹo hẹp khí quản và rút ống mở khí quản thành công cho cụ bà Nguyễn Thị Bé, 80 tuổi, ngụ tại phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa.
Cụ thể, ngày 19-6 bà Nguyễn Thị Bé nhập viện trong tình trạng đeo ống mở khí quản ở cổ hơn một năm nay do di chứng của bệnh nhồi máu não cũ, không nói được, không ăn uống bình thường được, đàm và dịch liên tục chảy ra ống mở khí quản khiến bà khó thở. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị hẹp đoạn đầu trước lỗ mở khí quản kèm viêm phù nề, do đó đàm và dịch liên tục tiết ra chảy qua ống mở khí quản, khả năng nhiễm trùng cao.
Sau khi hội chẩn, ê kíp mổ của bệnh viện đã quyết định phẫu thuật tái tạo khí quản. Bác sĩ thực hiện rạch da ngang cổ khoảng 10 cm, bộc lộ toàn bộ khí quản ngoài lồng ngực, bộc lộ đoạn hẹp, rút bỏ ống mở khí quản, sau đó cắt bỏ đoạn hẹp khoảng 2cm và nối 2 đoạn lành lại với nhau.
Trong khoảng 120 phút, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, bệnh nhân thở êm, tỉnh táo và đã nói được.

Bà Nguyễn Thị Bé khi đang đeo ống mở khí quản trước khi phẫu thuật.
TS.BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Tim mạch – Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, đây là một trong những kỹ thuật khó trong ngoại khoa, để rút được ống mở khí quản ra khỏi cổ bệnh nhân an toàn, êkip phẫu thuật và êkip gây mê đã phối hợp chặt chẽ với nhau, trước tiên bác sĩ phải giải quyết chỗ hẹp khí quản ở vị trí hạ thanh môn, cắt bỏ đoạn hẹp đồng thời vừa tạo hình vừa nối 2 đoạn khí quản lại với nhau. Sau khi đoạn khí quản hẹp bị cắt bỏ, khí quản đã thông thì bệnh nhân mới có thể thở bằng đường mũi và nói được.
Cách đây hơn một năm, bà Nguyễn Thị Bé bị tai biến mạch máu não, được Bệnh viện ĐK Đồng Nai cấp cứu thoát khỏi cơn nguy kịch, nhưng do sức khỏe yếu kèm suy hô hấp nên bà được chỉ định thở máy và đặt nội khí quản (tức đặt ống thở qua đường miệng). Sau 2 tuần, sức khỏe bệnh nhân tương đối ổn định có thể cai máy thở, bác sĩ cho đặt ống mở khí quản (dùng một đường ống khác đặt ở dưới cổ) và rút bỏ ống nội khí quản. Tuy nhiên, vì ống mở khí quản nằm dưới cổ nên bệnh nhân không thể nói được, còn ăn uống phải qua đường xông từ mũi chạy thẳng xuống dạ dày.

Bà Nguyễn Thị Bé (bên phải) đã khỏe mạnh nói chuyện và ăn uống bình thường (chụp tại nhà riêng ngày 18/8/2023) với tác giả bài viết.
Bà Nguyễn Thị Bé cho biết, bệnh đột quỵ của bà đã được các bác sĩ của Bệnh viện ĐK Đồng Nai cấp cứu kịp thời và chữa khỏi, sau một thời gian ngắn sức khỏe của bà đã bình phục, có thể đi lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, vì phải đeo ống mở khí quản cả năm trời lại không nói được, không ăn uống như người bình thường được khiến bà khó chịu và ức chế vô cùng. Trong khi đó, đàm và dịch chảy ra rất nhiều có khi bít cả ống khiến bà khó thở, phải vệ sinh ống hàng ngày rất bất tiện và nguy cơ nhiễm trùng rất cao làm cho bà luôn cảm thấy bất an. Gia đình đã đưa bà đi thăm khám ở nhiều nơi với hy vọng có thể rút được ống mở khí quản ra để bà có thể nói và ăn uống được như mọi người nhưng bất thành vì không nơi nào thực hiện thành công.
Trong một lần đi thăm khám tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai, sau khi được các bác sĩ tư vấn, bà đã quyết định nhập viện để được phẫu thuật rút ống mở khí quản. Khoảng chục ngày sau phẫu thuật bà đã ăn uống được và có thể nói chuyện lưu loát.
TS.BS Tuấn Anh chia sẻ, với những bệnh nhân phải đeo ống mở khí quản lâu ngày thì nguy cơ tiết dịch đàm và nhiễm trùng là rất cao. Do đó, bệnh nhân có thể đến Bệnh viện ĐK Đồng Nai để được thăm khám, chẩn đoán và được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, mục tiêu của bệnh viện là cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân sớm trở về với cuộc sống bình thường như trước đây.
Bích Ngọc