Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó vụ ngộ độc làm nhiều người mắc nhất liên quan đến cơ sở thức ăn đường phố. Để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt tương tự, năm nay tỉnh đặc biệt tập trung vào kiểm soát An toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể, các cơ sở thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Ông Lê Văn Cường - Trưởng phòng Y tế huyện Trảng Bom cho biết, Trảng Bom hiện có khoảng 1.386 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 93.4%, đạt chỉ tiêu giao hàng năm.
Đến nay, đã có 11/12 xã, thị trấn được công nhận duy trì đạt mô hình xã điểm thức ăn đường phố đạt 92.67%.

Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP tại Công ty TNHH August S. (TP Biên Hòa).
Để đạt được kết quả trên, hàng năm UBND huyện Trảng Bom, Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Kế hoạch để triển khai công tác quản lý ATTP trên địa bàn huyện để làm cơ sở triển khai các hoạt động theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; UBND huyện cũng đã kịp thời ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới trên địa bàn huyện Trảng Bom.
Bên cạnh đó, đoàn liên ngành ATTP huyện thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm, trong năm 2024, Trảng Bom đã tiến hành kiểm tra 1.144 lượt cơ sở thức ăn đường phố, trong đó số cơ sở đạt 1.024, số cơ sở vi phạm 120 cơ sở, nhắc nhở 120 cơ sở. Đã tổ chức 101 lượt kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm rà soát, phát hiện sớm các trường hợp vi phạm ATTP. Qua đó, 17 cơ sở đã bị xử phạt, với tổng số tiền xử phạt là hơn 66 triệu đồng.
Tại huyện Nhơn Trạch, công tác đảm bảo ATTP được huyện chú trọng và quan tâm thường xuyên. Ông Đỗ Hoàng Thân - Trưởng Phòng Y tế huyện Nhơn Trạch cho biết, ATTP là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do đó, ngay từ đầu năm UBND huyện đã ban hành kế hoạch về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thành lập các đoàn kiểm tra ATTP tiến hành kiểm tra các cơ sở, cũng như kiểm tra Ban chỉ đạo ATTP tuyến xã để công tác ATTP đạt được kết quả tốt hơn.
Hiện nay trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có khoảng 400 doanh nghiệp, 925 cơ sở thức ăn đường phố. UBND huyện cũng đã phân cấp việc quản lý công tác ATTP. Đối với thức ăn đường phố sẽ do tuyến xã tiến hành kiểm tra và xử lý, còn tuyến huyện phối hợp với tuyến tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra các bếp ăn tập thể trong và ngoài khu công nghiệp. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, huyện sẽ tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp.
Đánh giá về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP tỉnh cho biết, những năm qua, công tác bảo đảm an ninh, ATTP luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành. Tại các cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đều chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm, xử phạt nghiêm những cá nhân, cơ sở vi phạm về ATTP, không nể nang, né tránh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Lãnh đạo tỉnh lưu ý các cán bộ, thành viên trong các đoàn kiểm tra phải nâng cao đạo đức công vụ trong kiểm tra, xử lý. Không bỏ qua vi phạm, không được vòi vĩnh, nhũng nhiễu, làm ngơ, tiếp tay cho vi phạm.
Năm 2024, toàn tỉnh đã kiểm tra, hậu kiểm hơn 17,1 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Kết quả phát hiện hơn 1,5 ngàn cơ sở vi phạm, 930 cơ sở bị xử phạt số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 1 cơ sở buộc phải đóng cửa, tước chứng chỉ hành nghề thú y 2 tháng đối với 5 trường hợp, khởi tố điều tra 2 vụ với 2 bị can về tội vi phạm quy định về ATTP; tịch thu tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025, ở cấp tỉnh cũng thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh.
Những cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, các đoàn có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ các chủ cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến ATTP. Tuyên truyền để người tiêu dùng sáng suốt lựa chọn những thực phẩm an toàn. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực từ kiến thức đến hành vi trong sản xuất, chế biến, sử dụng thực phẩm của người dân.
Thanh Tú