Là một huyện miền núi có địa bàn rộng, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện đi lại còn khó khăn, tuy nhiên trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn cấp trên, của chính quyền địa phương; sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn thể viên chức TTYT H.Định Quán đã giúp cho trung tâm luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xứng đáng là một trong những đơn vị y tế đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.
Năm 2019, Trung tâm y tế (TTYT) H.Định Quán được thành lập trên cơ sở sáp nhập thêm Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Kể từ đó đến nay, Trung tâm Y tế đã đi vào hoàn thiện kể cả cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cho công tác tham mưu, triển khai các hoạt động dự phòng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn huyện.
Nhiều chỉ tiêu chuyên môn đạt và vượt kế hoạch
TTYT H.Định Quán hiện có 2 phòng chức năng, 5 khoa - phòng chuyên môn, 14 Trạm Y tế, với tổng số nhân sự là 203 người; 14 Trạm y tế xã đều có bác sĩ hoạt động tại chỗ, trong đó có 5 trạm y tế có 2 bác sĩ. Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của đội ngũ nhân viên TTYT, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện Định Quán được cải thiện và đạt kết quả tốt. Các chương trình Y tế - Dân số được thực hiện thường xuyên và đạt hiệu quả; Các dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, tuy có ghi nhận ca bệnh nhưng không để phát triển thành dịch. Định Quán đã được công nhận là huyện thanh toán được bệnh Phong, loại trừ được bệnh Sốt Rét vào năm 2022. Năm 2023, toàn huyện ghi nhận 84 ca sốt xuất huyết, giảm 82% so với năm 2022 (1021 ca), không ghi nhận ca tử vong, 100% ổ dịch được xử lý. Không ghi nhận ca mắc sốt rét trên địa bàn huyện.
Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dân số kế hoạch hoá gia đình đạt và vượt so với kế hoạch. Cụ thể: Tỷ lệ phụ nữ đẻ khám thai trên 3 lần của thai kỳ; tỷ lệ bà mẹ trẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 100%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo lứa tuổi đạt 5,7%, vượt 2% so với kế hoạch; Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 72% vượt 10% so với kế hoạch; Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 85%, vượt…

Trạm y tế xã Phú Vinh lấy lam máu xét nghiệm sốt rét cho người dân.
Tỷ lệ mắc các bệnh xã hội như Lao, Phong, Bướu cổ đều giảm, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng được triển khai và củng cố. 100% bệnh nhân phong được quản lý, khống chế tỷ lệ bệnh nhân phong lưu hành/10.000 dân; 100% bệnh nhân Lao được quản lý, tỷ lệ bệnh nhân lao được quản lý, điều trị đạt 100%; năm 2023 số người tử vong trong thời gian điều trị Lao là 3, giảm 6 ca so với năm 2022. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được cải thiện, nhận thức về vấn đề chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng được nâng lên. Tỷ lệ cơ sở thực phẩm đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm 93,4%, vượt 9% so với kế hoạch, trong năm không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
“Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, sự xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, để có sự ổn định, TTYT đã thực hiện công tác giám sát thường xuyên, liên tục để kịp thời ứng phó. Trong khi đó các loại bệnh không lây có chiều hướng gia tăng do điều kiện sống thay đổi như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, rối loạn dinh dưỡng…”. BS Nguyễn Văn Tùng – Giám đốc TTYT H.Định Quán cho biết.
Vẫn còn những khó khăn ảnh hưởng đến công tác chuyên môn
Hiện tại, TTYT H.Định Quán đã xuống cấp, dù đã có quyết định sữa chữa, nâng cấp giai đoạn 2019 – 2021 của chủ tịch UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Một số Trạm y tế xã còn thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ chuyên môn; một số trạm y tế đã được phê duyệt kế hoạch xây mới, sữa chữa nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2022- 2030 mới được ban hành nên chưa có hướng dẫn cụ thể, còn nhiều khó khăn vướng mắc trong triển khai, đặc biệt là một số hoạt động về hồ sơ sức khỏe cá nhân và ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.

TTYT H.Định Quán tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.
“Mặc dù tất cả các trạm y tế đều có bác sĩ hoạt động liên tục, nhưng người dân vẫn còn “ngại” tham gia khám chữa bệnh tại trạm y tế; Họ chỉ thực sự đến khi tham gia tiêm chủng mở rộng, hoặc những cấp cứu thông thường, do đó chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ bác sỹ tại trạm y tế và ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu hoạt động của trạm y tế không đạt như số lượt khám bệnh bằng Tây y, Đồng y…. Trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng 8 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm đạt kết quả tốt, nhưng còn gặp khó khăn do thiếu một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella hay phụ nữ mang thai tiêm vắc xin uống ván…” - BS Tùng thông tin thêm.
Mai Liên