Với sự nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, đào tào tiếp nhận kỹ thuật mới, sự đồng tâm hiệp lực của các y, bác sĩ, thời qian qua Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã chữa trị thành công hàng trăm ca bệnh hiếm, cứu sống nhiều bệnh nhi qua cơn “thập tử nhất sinh” trở về với đời sống bình thường.
Mỗi năm phẫu thuật khoảng 50 ca các loại dị tật
Ngày 22-5, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã cứu sống bé gái sinh non, nhẹ cân bị chứng bệnh vô hạch thần kinh đại tràng bẩm sinh (bệnh Hirschsprung) kèm bệnh màng trong (còn gọi là hội chứng suy hô hấp sơ sinh).
Trước đó, ngày 27-3, sản phụ Đ.T.T. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hoà) sinh mổ khi thai mới 32 tuần tuổi, nặng 1,8kg. Sau sinh bé gái bị suy hô hấp, thở co lõm 54 lần/phút, chậm tiêu phân su và được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh đã tiến hành điều trị suy hô hấp, bệnh màng trong, nhiễm trùng sơ sinh, đồng thời hỗ trợ dinh dưỡng, nâng tổng trạng cho bệnh nhi. Sau 2 tuần, bé tăng 200g, hô hấp cải thiện hơn. Tuy nhiên, lúc này bé có biểu hiện chướng bụng, khó đi cầu, phải đặt thông hậu môn nhiều lần không giảm. Các bác sĩ đã hội chẩn, cho bệnh nhi chụp X-Quang đại tràng và xác định bé mắc thêm chứng bệnh vô hạch thần kinh đại tràng bẩm sinh.

Bé N.A.Đ hồi phục sức khỏe, ăn uống bình thường vào thời điểm sau 15 ngày được các bác sĩ bệnh viện phẫu thuật do vỡ gan.
Ngày 4-5, các bác sĩ đã tiến hành ca mổ bằng phương pháp hạ đại tràng qua đường hậu môn và cắt đi đoạn ruột mất chức năng dài 19cm, khâu nối đoạn đại tràng bình thường với hậu môn. Sau 90 phút, ca mổ đã thành công. Hơn 2 tuần sau, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, tăng cân, thở tự nhiên, hết chướng bụng, tự bú và đi cầu bình thường.
BS Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, nhờ làm chủ kỹ thuật hạ đại tràng qua đường hậu môn trong điều trị bệnh Hirschsprung, thời gian qua bệnh viện đã cứu sống rất nhiều trường hợp. Với kỹ thuật này, bệnh nhi không phải mổ bụng, rút ngắn số lần mổ từ 3 lần xuống chỉ còn 1 lần. Kỹ thuật ít xâm lấn nên giảm thiểu tác hại do mổ rất nhiều, ít gây nhiễm trùng và hồi phục nhanh hơn.
“Hirschsprung là bệnh bẩm sinh rất hiếm gặp. Trước đây, khi chưa mổ được ở trẻ sơ sinh như bây giờ, bệnh nhi và gia đình rất vất vả vì phải sống chung với bệnh từ 3-5 năm, phải thường xuyên thụt tháo phân, chữa trị viêm ruột rất cực nhọc, trẻ suy kiệt, bụng các bệnh nhi ngày càng phình to, có thể tử vong. Hiện nay, nhờ làm chủ kỹ thuật hiện đại đã giúp cho bệnh nhi được mổ từ rất sớm, hồi phục nhanh và sớm thoát khỏi bệnh tật” – BS Tầm nói.

Nụ cười hạnh phúc của người bố khi con gái được phẫu thuật thành công, thoát khỏi căn bệnh phình đại tràng vô hạch bẩm sinh hiếm gặp.
Trường hợp bệnh nhi trên là một trong nhiều ca bệnh hiếm mà thời gian qua Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã phẫu thuật thành công. Theo BS Vũ Công Tầm, những năm qua nhờ phát triển các kỹ thuật về ngoại nhi, bệnh viện đã cứu sống nhiều trẻ sơ sinh bị dị tật hiếm gặp, trung bình mỗi năm bệnh viện mổ khoảng 50 ca về các loại dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, hầu hết các ca phẫu thuật đều thành công, như: teo thực quản, bất sản hậu môn trực tràng, phình đại tràng vô hạch bẩm sinh (Hirschsprung), hở thành bụng sơ sinh, thoát vị hoành, teo tắc tá tràng, thoát vị não chẩm…
“Hầu hết các ca dị tật đều gặp ở trẻ sơ sinh, thậm chí gặp ở nhiều trẻ sinh non, với cân nặng từ 1,8 đến 2kg. Tùy theo tình trạng từng dị tật mà chúng tôi sắp xếp lịch mổ khác nhau, những dị tật nguy hiểm đến tính mạng chúng tôi sẽ mổ gấp. Còn những dị tật chưa nguy hiểm đến tính mạng, chúng tôi sẽ nuôi dưỡng trẻ một thời gian để trẻ có sức khỏe tốt, chịu đựng được cuộc mổ và hồi sức sau mổ nhanh hơn. Do trẻ sơ sinh rất nhỏ, sức chịu đựng cuộc mổ ngắn, nên đòi hỏi bác sĩ phải tập trung cao độ, nhẹ nhàng, khéo léo từng thao tác và cố gắng kết thúc cuộc mổ sớm nhất có thể” – BS Tầm nói.
Cứu nhiều trẻ thoát khỏi “cửa tử”
Bên cạnh việc làm chủ các kỹ thuật trong phẫu thuật dị tật cho trẻ, thời gian qua các y, bác sĩ của bệnh viện luôn nỗ lực, kịp thời xử trí, hợp sức cứu sống nhiều ca bệnh vỡ gan, vỡ lách, đa chấn thương nặng, sự sống và cái chết nằm trong gang tấc.
Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua các bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống 2 bệnh nhi bị vỡ gan trong tình trạng nguy kịch do tai nạn giao thông.
Trường hợp nặng nhất là bệnh nhi N.A.Đ (4 tuổi, ngụ xã An Phước, H.Long Thành) nhập viện trong đêm 11-8 trong tình trạng trạng sốc, trụy mạch, diễn tiến rất nặng, tiên lượng xấu. Lúc này, hệ thống báo động đỏ toàn bệnh viện được kích hoạt. Trong vòng 30 phút, các nhân viên y tế vừa lấy ven, truyền dịch, truyền máu cho bệnh nhân rồi đưa lên phòng mổ khẩn cấp.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã thám sát ổ bụng, phát hiện bệnh nhân bị vỡ gan bên phải, dập nát nhiều, chảy rất nhiều máu khiến việc khâu gan khó khăn hơn. Các bác sĩ phải tấn gạc cầm máu, tăng huyết áp và tiến hành khâu gan. Lúc đầu khâu xong, máu chưa cầm được vẫn còn chảy rỉ rả, các bác sĩ đã tiến hành khâu gan thêm lần nữa. Tuy nhiên, do bé bị tràn khí màng phổi phải, tụ máu ở thành ruột non nhiều gây biến chứng tắc ruột nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ 50cm ruột của bé.
“Sau mổ, diễn biến bệnh nhi vẫn hết sức phức tạp, sốt kéo dài, nhiễm trùng nhiều hơn, men gan tăng cao hơn… Chúng tôi đã tưởng rằng không cứu được, nhưng may mắn với sự phối hợp của toàn bộ ê kíp mổ, hồi sức, bé Đ. đã hồi phục ngoạn mục” – BS Bùi Đình Hà, Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp mổ cho bệnh nhi cho biết.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà, thời gian qua nhờ được đầu tư nhiều máy móc hiện đại cũng như tiếp nhận nhiều kỹ thuật khó từ bệnh viện tuyến trên chuyển giao về các lĩnh vực: ngoại nhi, gây mê, hồi sức nhi, hồi sức sơ sinh, tim mạch, nội thần kinh, xét nghiệm. Đến nay, hầu hết các kỹ thuật mới bệnh viện đã làm chủ được, tiêu biểu như những kỹ thuật về phẫu thuật các dị tật: phẫu thuật tạo hình hậu môn, phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn, phẫu thuật teo thực quản, bệnh Hirschsprung, phẫu thuật dị tật hở thành bụng bẩm sinh…; đối với phẫu thuật sọ não, hiện nay các bác sĩ đã tự mổ được, không cần hướng dẫn của bác sĩ tuyến trên. Số ca phẫu thuật sọ não bệnh viện thực hiện được từ 2016 đến nay là 48 ca; hay nhờ làm chủ các kỹ thuật về hồi sức sơ sinh, hồi sức nhi…, bệnh viện đã kịp thời cứu sống nhiều ca bệnh suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng.
“Với việc ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, bệnh viện đã tận dụng được thời gian vàng, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nặng bị vỡ gan, vỡ lách, chấn thương sọ não, hóc dị vật… Nhờ đó đã có rất nhiều trẻ thoát được “cửa tử”, trở về cuộc sống bình thường” – BS Nguyễn Lê Đa Hà cho biết thêm.
Gia Nhi