Phát triển thành tựu khoa học - kỹ thuật chuyên môn để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị là nhiệm vụ thường xuyên nhưng cũng là một trong những chiến lược phát triển của các bệnh viện.
Để các thành tựu khoa học – kỹ thuật y khoa phát triển bền vững, không chỉ có sự nỗ lực của mỗi bệnh viện, mỗi cá nhân chuyên gia, bác sĩ mà còn cần đến sự khuyến khích, động viên cũng như tạo điều kiện để các đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao, tiếp nhận các kỹ thuật được thuận lợi.
Chủ động nguồn nhân lực, sẵn sàng trang thiết bị
Rõ ràng, nếu xét về tính hiệu quả kinh tế, sự thuận tiện khi người bệnh được hưởng thụ điều trị các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu tại các bệnh viện địa phương mà không phải đi xa – điều đó không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bệnh viện mà còn là một sự nhân văn đáng khích lệ.
Tuy nhiên, để chuỗi “mắt xích” chuyển giao, tiếp nhận, triển khai, ứng dụng và thực hiện thành công các kỹ thuật mới “vận hành” được hiệu quả, đặc biệt là có thể sớm làm chủ được kỹ thuật, ứng dụng và triển khai thành công, cứu nhiều bệnh nhân sau khi chuyên gia rời đi, đòi hỏi các bệnh viện, cơ sở y tế phải luôn chủ động nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như các nguồn lực liên quan khác phải luôn ở thế sẵn sàng và chủ động.
Về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho hay, hiện bệnh viện có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, đội ngũ bác sĩ tay nghề chuyên môn cao; cơ sở hạ tầng khang trang, đầu tư hầu hết các trang thiết bị hiện đại và luôn ở thế sẵn sàng để tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật mới được chuyển giao từ tuyến trên. Thời gian qua, bệnh viện đã hợp tác và nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật công nghệ cao như: mổ tim hở, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, điều trị ung thư, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thần kinh, chấn thương; thụ tinh trong ống nghiệm… và trong thời gian tới như phẫu thuật tim nội soi, kỹ thuật ghép tạng, phẫu thuật nội soi bằng robot, công nghệ tế bào gốc…
“Là một bệnh viện tuyến tỉnh, để đáp ứng được các yêu cầu trong chuyển giao kỹ thuật trên, bệnh viện luôn phải sẵn sàng cả về nguồn nhân lực có đủ chuyên môn, trang thiết bị liên quan đến kỹ thuật để có thể triển khai thực hiện được luôn, ngay sau khi chuyên gia rời đi” – BS Ngô Đức Tuấn nói.
Việc chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật cao từ tuyến trên về tuyến dưới đã giúp các bệnh viện tuyến dưới có cơ hội nâng cao chất lượng điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân, giúp các bác sĩ nâng cao tay nghề chuyên môn, đồng thời tạo thêm uy tín cho bệnh viện.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh kết nối khám, chữa bệnh từ xa. Theo Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện tại, để có thể tiếp nhận các kỹ thuật mới được chuyển giao, nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ nguồn nhân lực của bệnh viện, bệnh viện đang cử nhiều bác sĩ, điều dưỡng đi học các chuyên ngành gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực chống độc, phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật sơ sinh tại các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TP.HCM để có thể tự tin tiếp nhận và triển khai kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao cũng như và triển khai các kỹ thuật chuyên ngành mà đội ngũ bác sĩ đã học tập được.
Cũng là một bệnh viện có bề dày thành tích trong việc ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã luôn chủ động khi tập trung đội ngũ những bác sĩ giỏi để tiếp nhận các chuyển giao của các chuyên gia đến từ các bệnh viện ở TP.HCM, trong đó hợp tác toàn diện với Bệnh viện Thống Nhất TP. HCM.
Theo Giám đốc bệnh viện Phan Văn Huyên, qua hoạt động triển khai và chuyển giao kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị nhiều lĩnh vực, trong đó có tim mạch can thiệp. Chính từ hoạt động chuyển giao, tiếp nhận này đã góp phần đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện.
Nỗ lực vượt qua những rào cản…
Trong những năm qua, ngành y tế Đồng Nai đã có những bước phát triển nhanh chóng nhờ vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào hoạt động chẩn đoán và điều trị. Việc chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phần lớn từ các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, Bệnh viện nhiệt đới TP. HCM, Bệnh viện Từ Dũ...
Đối với phương thức chuyển giao theo Đề án 1816 hoặc Đề án bệnh viện vệ tinh thì từ tuyến trên chuyến giao theo phương thức cầm tay chỉ việc. Sau khi các bệnh viện làm chủ được kỹ thuật thì các bệnh viện tuyến trên sẽ bàn giao cho đơn vị thực hiện. Còn đối với các trường hợp gửi đi đào tạo về, việc triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu cũng vẫn phải cần đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tuyến trên. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn.
Sau hơn 15 năm thực hiện Đề án 1816 và gần 10 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, đã có rất nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu được tuyến trên chuyển giao cho các bệnh tuyến dưới ở Đồng Nai đã phát huy hiệu quả, đem lại cơ hội chữa trị cho người bệnh ngay tại địa phương mà không phải chuyển viện, đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng, uy tín cho các bệnh viện. Đây là một thành quả thực tiễn rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn đó những rào cản, những khó khăn trong công tác chuyển giao và tiếp nhận kỹ thuật mới. Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, hiện vẫn còn 3 rào cản lớn khiến cho công tác chuyển giao, tiếp nhận, triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao gặp khó khăn, chậm triển khai, chậm ứng dụng vào thực tiễn.
Rào cản lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng bộ. Hiện đội ngũ bác sĩ tại một số bệnh viện đa khoa khu vực, trung tâm y tế chưa đủ năng lực để tiếp nhận chuyển giao những kỹ thuật mới hoặc đã chuyển giao những khi chuyên gia rời đi thì kỹ thật cũng không “trụ” lại được. Rào cản thứ hai, với những kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu đòi hỏi đi cùng là phải có các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Song, các máy móc, thiết bị để thực hiện kỹ thuật cao, kỹ thuật mới lại thường có giá thành rất đắt, nguồn ngân sách cấp không đủ, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế chưa đủ sức đầu tư để có phương tiện thực hiện các kỹ thuật sau chuyển giao. Rào cản thứ ba là các kỹ thuật này thực hiện còn hạn chế do vướng các quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh là triển khai thí điểm và kinh phí triển khai không được BHYT chi trả. Do đó, mặc dù các chuyên gia tuyến trên nhiệt tình chuyển giao, các bác sĩ tuyến dưới nỗ lực tiếp nhận, bệnh nhân lại càng cần, nhưng số ca được hưởng thụ các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vẫn hạn chế so với nhu cầu người bệnh.
“Mặc dù có những khó khăn, nhưng Sở vẫn khuyến khích các đơn vị chủ động, tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao theo đúng quy định. Sau khi thực hiện xong thí điểm, đơn vị báo cáo kết quả, Sở Y tế sẽ họp Hội đồng chuyên môn để quyết định cho phép triển khai chính thức kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện và được quỹ BHYT chi trả” - Giám đốc Lê Quang Trung chia sẻ.
Tại hội thảo: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (diễn ra vào tháng 4-2023 tại Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất: “Hai Bộ KH-CN và Bộ Y tế cần tăng cường phối hợp trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực y khoa. Có cơ chế thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào việc đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm khoa học y khoa có tính ứng dụng cao để ngày càng có nhiều nghiên cứu được ứng dụng, không chỉ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Ngoài ra, cần có các cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cũng như tạo môi trường làm việc thuận lợi để khuyến khích các nhà khoa học y khoa say mê cống hiến”. |
Bích Ngọc