[Loạt bài: Nghị quyết 57-NQ/TW: Bước chuyển mình của ngành Y tế]
Ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám chữa bệnh đang trở thành xu hướng tất yếu, mở ra bước chuyển mạnh mẽ cho ngành y tế. Từ bệnh án điện tử, Kiost y tế thông minh, đến trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán, hệ thống điều phối dữ liệu y tế Gmedical… tất cả đang góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tiết kiệm chi phí và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ngành Y tế đang từng bước xây dựng nền y tế thông minh – hiện đại, hiệu quả và lấy người bệnh làm trung tâm.
Gmedical - Bước đột phá trong chuyển đổi số
Ngày 27-6 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chính thức ra mắt hệ thống điều phối dữ liệu y tế Gmedical. Đây là cột mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số toàn diện của ngành y tế tỉnh, thể hiện quyết tâm xây dựng nền y tế hiện đại, thông minh, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn sức khỏe và quyền lợi của người dân.
Ông Ngô Hữu Tâm – Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, hệ thống Gmedical được triển khai từ đầu tháng 4-2025, do Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Chuyển đổi số – Chi nhánh Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu (Gtel CDS) thực hiện. Giai đoạn đầu tập trung thí điểm tại 80 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm 15 bệnh viện công tuyến tỉnh, 8 trung tâm y tế và 57 phòng khám đa khoa tư nhân.
Sau hơn hai tháng triển khai, hệ thống đã tiếp nhận gần 400.000 hồ sơ, kết nối dữ liệu cho 208.659 bệnh nhân và ghi nhận 14.066 hồ sơ chuyển viện. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, hỗ trợ bác sĩ có cái nhìn toàn diện về lịch sử bệnh án, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và nâng cao chất lượng điều trị. Đồng thời, hệ thống giúp tối ưu hóa công tác điều phối bệnh nhân, quản lý giường bệnh và nâng cao hiệu quả phối hợp chuyên môn, chứng minh khả năng xử lý dữ liệu lớn và tạo lập kho dữ liệu y tế tập trung cho toàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế và Tổng công ty Gtel ký kết bàn giao hệ thống điều phối dữ liệu y tế tỉnh Đồng Nai tại buổi lễ ra mắt.
Đại diện tổng công ty Gtel CDS cho biết, hệ thống được thiết kế với khả năng kết nối đa dạng từ các hệ thống HIS, EMR, LIS, RIS/PACS hiện có tại các cơ sở khám chữa bệnh, sử dụng các chuẩn dữ liệu y tế thông dụng, định dạng XML theo Bộ tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào của hồ sơ bệnh án điện tử và có cơ chế bảo mật nghiêm ngặt.
Hệ thống Gmedical hướng tới việc xây dựng một kho dữ liệu y tế thống nhất và toàn diện, đồng bộ hóa thông tin từ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hệ thống không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, mà còn cung cấp dữ liệu minh bạch, báo cáo thống kê phục vụ công tác chỉ đạo, giám sát sức khỏe cộng đồng, tối ưu hóa quản lý và phân bổ nguồn lực y tế – đặc biệt là trong điều phối chuyển tuyến, chuyển viện.
Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ triển khai hiệu quả các dịch vụ y tế từ xa, giảm thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, bảo vệ quyền riêng tư và an toàn thông tin. Đây cũng là nền tảng để tích hợp và kết nối với Hệ thống điều phối dữ liệu y tế quốc gia.
Ông Phan Ngọc Lăng – Tổ trưởng Tổ đề án 06, Tổng công ty Gtel – cho biết, hệ thống Gmedical không chỉ tạo ra kho dữ liệu dùng chung mà còn giúp quản lý toàn bộ hoạt động của các cơ sở y tế. Việc số hóa các quy trình như giấy chuyển tuyến, chuyển viện hay liên tuyến giúp người dân đi khám chữa bệnh thuận tiện hơn. Ví dụ, bệnh nhân khi chuyển từ bệnh viện A sang bệnh viện B sẽ được bác sĩ ở bệnh viện B truy cập vào hồ sơ sức khỏe điện tử, nắm bắt nhanh tiền sử bệnh án để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Điều này giúp giảm áp lực cho đội ngũ y tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.
Theo BS.CKII Lê Quang Trung – Phó giám đốc Sở Y tế, hệ thống điều phối dữ liệu y tế, góp phần sử dụng dữ liệu một cách khoa học, các cơ quan quản lý có thể thống kê được số liệu người bệnh, trong phòng chống dịch bệnh và nhiều dữ liệu khác. Đảm bảo an toàn thông tin và góp phần kết nối, phát triển y tế số quốc gia.
Nỗ lực vượt thách thức, hướng tới y tế thông minh
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị – như ứng dụng công nghệ AI, triển khai bệnh án điện tử, hệ thống Kiosk y tế thông minh, và hệ thống quản lý y tế thông minh – ngành Y tế Đồng Nai vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn trên hành trình chuyển đổi số.
Chia sẻ về vấn đề này, BS.CKII Lê Quang Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhấn mạnh rằng Nghị quyết 57 đóng vai trò rất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy toàn ngành y tế đổi mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế gặp nhiều thách thức.
Cụ thể, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học y tế, việc áp dụng những đổi mới sáng tạo cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức y khoa. Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả, ngành cần có nguồn kinh phí ổn định và đủ mạnh.

Điều dưỡng Bệnh viện ĐKKV Long khánh thao tác công việc của đièu dưỡng thông qua phần mềm bệnh án điện tử.
Một thách thức lớn khác là việc thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế về triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện chậm nhất vào ngày 30/9/2025. Theo bác sĩ Trung, hiện nay một số đơn vị y tế tại Đồng Nai vẫn chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật. Một số phần mềm bệnh án điện tử chưa đạt chuẩn, khiến các cơ sở lúng túng trong việc lựa chọn nhà thầu. Quá trình đấu thầu mua sắm cũng mất nhiều thời gian.
Tuy vậy, ngành Y tế Đồng Nai vẫn thể hiện rõ quyết tâm triển khai bệnh án điện tử và chuyển đổi số toàn diện. “Chúng tôi đã xin được chủ trương và kinh phí để hỗ trợ các đơn vị y tế. Hiện nhiều cơ sở đang khẩn trương triển khai công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, phần mềm và làm việc với các đối tác để khảo sát, lên kế hoạch chi tiết. Hy vọng tiến độ sẽ được đảm bảo trước ngày 30/9/2025” – BS Trung cho biết.
BS.CKII Nguyễn Tường Quang – Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết, bệnh viện đang phối hợp với các đơn vị đối tác triển khai cài đặt phần mềm bệnh án điện tử, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ. Theo bác sĩ Quang, bệnh án điện tử là bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin y tế, giúp giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm chi phí và mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế cũng như công tác quản lý, điều hành.
Song song với bệnh án điện tử, ngành Y tế Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng AI. Ngành đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM để nghiên cứu các ứng dụng AI trong tiếp đón bệnh nhân, phân tích dữ liệu và hình ảnh y tế.
Ông Phan Ngọc Lăng – Tổ trưởng Tổ đề án 06, Tổng công ty Gtel nhận định, đến nay nhiều tỉnh thành trong cả nước đã triển khai hệ thống điều phối dữ liệu y tế, trong đó Đồng Nai. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung không chỉ khẳng định năng lực công nghệ mà còn thể hiện sự chủ động và quyết tâm cao của tỉnh trong việc xây dựng một nền y tế hiện đại, thông minh, lấy người bệnh làm trung tâm.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ và tiết kiệm chi phí, mà còn tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ sinh thái y tế hiện đại, công bằng và hiệu quả – đúng theo định hướng phát triển ngành y tế đến năm 2030 của Bộ Y tế.
Hoàn Lê – Sao Mai