Ngộ độc thuốc tân dược đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí cướp đi sinh mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, lạm dụng thuốc hoặc tự ý phối hợp nhiều loại mà không lường hết tác hại.
Nhiều ca ngộ độc thuốc nguy kịch
Vừa qua, Bệnh viện ĐK Thống Nhất tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân N.T.K.T. (20 tuổi, ngụ xã Bình Minh) vì uống hơn 20 viên thuốc gồm thuốc giảm đau, hạ sốt và tái tạo da với ý định tự tử. Trước đó, bệnh nhân bị chồng bạo hành dẫn đến khủng hoảng tinh thần. Rất may, T. được hàng xóm phát hiện và đưa vào bệnh viện kịp thời. Sau khi được súc rửa dạ dày và theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm.

BS.CKI Trịnh Việt Bắc – Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện ĐK Thống Nhất thăm khám cho bệnh nhân T.
BS.CKI Trịnh Việt Bắc – Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận, đo điện tim, khí máu… Trường hợp này nhập viện sớm nên được cứu sống, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy.
Một trường hợp khác, nữ bệnh nhân 56 tuổi đã uống nhiều viên thuốc chẹn kênh canxi điều trị cao huyết áp, kèm theo thuốc trừ sâu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp sâu, điều trị nội khoa không hiệu quả. Các bác sĩ phải chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện liệu pháp ECMO – biện pháp hồi sức cuối cùng.
Hay như mới đây, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh đã tiếp nhận bà L.T.M.N. (52 tuổi, ngụ xã Dầu Giây) trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp và suy hô hấp. Được biết, bà N. uống cùng lúc 113 viên thuốc an thần sau sang chấn tâm lý do bệnh lý về mắt không thể chữa được. Nhờ được cấp cứu tích cực bằng phương pháp lọc máu hấp phụ, bà N. may mắn qua khỏi.
Tại Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai, nam bệnh nhân T.H. (26 tuổi, ngụ phường Trấn Biên) nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị, nôn ói nhiều lần. Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 11 tiếng trước khi nhập viện, bệnh nhân đã uống gần 50 viên thuốc giảm đau Ibuprofen. Qua xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, viêm tụy cấp, rối loạn điện giải và hạ kali máu. Đây là những biến chứng nguy hiểm điển hình do ngộ độc thuốc giảm đau liều cao.
Báo động trẻ vị thành niên tự tử bằng thuốc
Theo ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tình trạng trẻ từ 11–15 tuổi tìm đến cái chết bằng thuốc tân dược đang ở mức báo động. Nhiều em hành động bồng bột chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với cha mẹ, chia tay người yêu, điểm thấp ở trường…
“Ở lứa tuổi này, các em còn non nớt, tâm lý bất ổn nhưng lại dễ tiếp cận thuốc. Vì vậy, việc theo dõi, quan tâm từ gia đình và nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa hậu quả đau lòng”, - BS Trang khuyến cáo.
Theo bác sĩ Trịnh Việt Bắc, tình trạng mua bán thuốc hiện nay diễn ra quá dễ dãi. Từ các loại thông dụng như Paracetamol, Panadol, Aspirin đến thuốc huyết áp, thuốc hướng thần vốn cần kê toa đều có thể mua dễ dàng ngoài tiệm thuốc. Việc người dân sử dụng thuốc mà không có chỉ định dẫn đến nhiều ca ngộ độc nguy hiểm, trong đó có cả cố ý lẫn vô tình.
“Dùng quá liều Paracetamol có thể gây tổn thương gan dẫn đến suy gan cấp – tỷ lệ tử vong cao. Hay thuốc trị mất ngủ Amitriptyline nếu uống quá liều sẽ gây hôn mê, rối loạn nhịp tim và tử vong nhanh chóng. Các thuốc huyết áp như Amlodipine, Felodipine khi dùng quá liều gây tụt huyết áp sâu, cần giải độc đặc hiệu và điều trị kéo dài, tốn kém” - BS Bắc cho hay.
Để tránh tình trạng ngộ độc thuốc tân dược, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Không tích trữ thuốc nguy hiểm trong nhà, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ hoặc người có vấn đề tâm lý. Khi phát hiện người thân có biểu hiện trầm cảm, sang chấn tâm lý, cần đưa đến các cơ sở y tế, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Cần nói chuyện, chia sẻ, lắng nghe nhau nhiều hơn trong gia đình và cộng đồng, để ngăn ngừa những hành vi bột phát đáng tiếc.
“Đôi khi, chỉ cần một người lắng nghe và chia sẻ đúng lúc, là đã có thể gỡ bỏ được “nút thắt” trong lòng ai đó, tránh được bi kịch có thể xảy ra” - BS Bắc chia sẻ.
Thanh Tú