Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh Dại và hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại lần thứ 19 (ngày 28/9/2025).

Nhân viên thú y tiêm phòng vắc xin dại cho chó tại nhà một hộ dân.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay cả nước ghi nhận 45 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại 20 tỉnh, thành phố ở cả 4 khu vực trên cả nước. So với cùng kỳ năm 2024, số ca tử vong do bệnh Dại tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các tỉnh ghi nhận trường hợp tử vong đều là các tỉnh có bệnh Dại lưu hành nhiều năm như Bình Thuận (5 ca tử vong), Gia Lai (5 ca tử vong), Đắc Lắc (4 ca tử vong). Một trong những nguyên nhân chủ yếu là người dân bị chó, mèo cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng bệnh Dại dẫn tới tử vong.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại và hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại lần thứ 19 (ngày 28/9/2025), Bộ Y tế đề nghị đơn vị, địa phương tập trung triển khai một số nội dung:
Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại lần thứ 19 (ngày 28/9/2025) để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh, truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi Dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị chó, mèo cắn.
Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nguồn nhân lực cho điều trị dự phòng; đảm bảo đủ trang thiết bị và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng; hỗ trợ điều trị dự phòng cho người nghèo tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi khu vực II, III, người có công với cách mạng, người tham gia công tác phòng chống dịch và các đối tượng đặc biệt khó khăn khác do chính quyền địa phương ra quyết định. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị chó, mèo cắn.
Chỉ đạo các đơn vị y tế cập nhật và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật theo quy định và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bệnh Dại.
Thanh Tú