Sáng 23-7, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Lê Trường Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, đồng thời định hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Y tế.
Hệ thống y tế từng bước ổn định sau sáp nhập
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Thị Nguyên cho biết, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, ngành Y tế Đồng Nai hiện có 95 trạm y tế xã, phường, 176 điểm trạm và 22 Trung tâm Y tế khu vực. Toàn ngành có hơn 15.000 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có trên 4.400 bác sĩ, đạt tỷ lệ 9,85 bác sĩ/vạn dân.
Thầy thuốc Ưu tú, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Thị Nguyên báo cáo tại buổi làm việc.
Mặc dù bộ máy tổ chức đã cơ bản ổn định, ngành vẫn gặp một số khó khăn về nhân sự, phân cấp quản lý và tổ chức hoạt động sau sáp nhập. Liên quan đến hệ thống y tế cơ sở, sau sáp nhập, mỗi xã, phường chỉ còn một trạm y tế chính; các trạm còn lại trở thành điểm trạm và vẫn duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cũng như việc cấp con dấu cho các điểm trạm, gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn, đặc biệt là chuyển tuyến bảo hiểm y tế tại những nơi cách xa trạm chính.
Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể để tiếp tục sử dụng đội ngũ cán bộ đã quy hoạch từ các đơn vị cũ trong việc bổ nhiệm, đồng thời sớm phân bổ biên chế và chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP nhằm bổ sung nhân lực cho các đơn vị đang thiếu hụt.
Khó khăn trong chuyển đổi số và đầu tư cơ sở vật chất
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhưng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản. Mặc dù tỉnh đã cấp hơn 39 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp khoa học để triển khai bệnh án điện tử cho 16 cơ sở y tế cũ (Đồng Nai), vẫn còn 6 Trung tâm Y tế khu vực chưa được bố trí kinh phí triển khai. Cơ sở hạ tầng CNTT cũng chưa đồng bộ, thiếu trang thiết bị đầu cuối và nhân lực kỹ thuật chuyên sâu.
Về đầu tư công, một số dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp trạm y tế tại địa phương cũ Bình Phước đang bị tạm dừng do thay đổi mô hình chính quyền. Nhiều đơn vị cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị hiện đại nên khó thu hút bác sĩ về công tác.
Sở Y tế đề nghị tỉnh cho phép tiếp tục các dự án đã được phê duyệt, hỗ trợ bổ sung kinh phí hoạt động cho các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa và khu vực mới sáp nhập, đặc biệt là các Trung tâm Y tế khu vực thuộc địa bàn Bình Phước cũ.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ động, phát triển y tế xứng tầm
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Sơn nhấn mạnh, với vị trí địa lý chiến lược, dân số đông và nền kinh tế lớn thứ 4 cả nước, Đồng Nai đang là điểm đến thu hút đầu tư, đồng nghĩa với tình trạng tăng dân số cơ học nhanh chóng. Ngành Y tế cần chủ động tính toán, dự báo nhu cầu, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời về nhân lực, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, từng bước đưa y tế tỉnh nhà phát triển ngang tầm với tiềm năng kinh tế - xã hội.
Ông Lê Trường Sơn - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế sớm tháo gỡ các vướng mắc về biên chế và hợp đồng theo Nghị định 111; đề xuất cơ chế cho phép tiếp tục hoạt động tại các điểm trạm, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân. Về chuyển đổi số, các đơn vị đã được cấp vốn cần hoàn thành bệnh án điện tử trước 30-9; các đơn vị chưa có kinh phí sẽ được xem xét hỗ trợ.
Về đầu tư hạ tầng, giao Sở Tài chính rà soát, đề xuất phương án chuyển tiếp nguồn vốn cho các công trình y tế quan trọng, tránh tình trạng đình trệ. Ngoài ra, yêu cầu ngành Y tế tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các khu dân cư, khu công nghiệp.
Đối với các dự án trọng điểm như di dời Bệnh viện tâm thần Trung ương II, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ có cuộc họp riêng để tháo gỡ các khó khăn cụ thể.
Thiên Thanh