Tác hại nghề nghiệp là những yếu tố trong quá trình sản xuất và điều kiện lao động có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng lao động của công nhân gây nên những rối loạn bệnh lý hoặc các bệnh nghề nghiệp đối với những người tiếp xúc.
Tác hại nghề nghiệp có thể phân ra các loại như sau:
Tác hại nghề nghiệp liên quan đến tổ chức lao động không hợp lý
Tổ chức lao động không hợp lý có thể gây rất nhiều tác hại lên sự cân bằng trạng thái sinh lý, sinh hoá của cơ thể người lao động, từ đó sinh ra các rối loạn bệnh lý.
* Thời gian lao động quá lâu dài: có thể gây nên sự căng thẳng về thần kinh, thể chất gây đau mỏi, thậm chí co cứng cơ, mất khả năng hoạt động.
* Cường độ lao động quá nặng nhọc và khẩn trương: sự phối hợp giữa các nhóm cơ, các bộ phận không hợp lý dễ gây nên tai nạn lao động, hoặc tăng nhanh quá trình mệt mỏi.
* Tư thế lao động không phù hợp: nhiều người lao động phải làm việc ở các tư thế không hợp lý, nhiều động tác uốn, vặn, sẽ làm tăng nhanh sự mệt mỏi của thần kinh và thể chất.
* Các cơ quan bị căng thẳng: do hoạt động không đồng bộ dễ gây nên sự mệt mỏi cục bộ. Trong các cơ quan dễ bị mệt mỏi sớm nếu hoạt động không phù hợp, người ta thấy đứng đầu là các giác quan (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác), ví dụ: nhìn lâu mỏi mắt.
Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sức khỏe cho người lao động tại một công ty trên địa bàn tỉnh.
Tác hại nghề nghiệp liên quan đến quy trình sản xuất
Trong quá trình sản xuất các yếu tố tác hại nghề nghiệp mang đặc trưng vật lý, lý hóa, vi sinh vật... có thể phát sinh hoặc tăng tác dụng xấu lên cơ thể người lao động.
* Các yếu tố vật lý như: vi khí hậu, bức xạ, áp lực không khí không bình thường, rung chuyển... Thường xuyên tác động lên cơ thể làm ảnh hưởng đến sự cân bằng các phản ứng sinh lý của cơ thể.
* Các yếu tố lý hóa: trong môi trường như bụi, hơi khí độc gây rất nhiều rối loạn bệnh lý và bệnh nghề nghiệp. Các loại bụi hữu cơ như lông súc vật, bông, đay, phấn hoa gây phản ứng dị ứng co thắt khí phế quản, các loại bụi vô cơ như các kim loại (đồng, chì, kẽm, sắt,…) hay các bụi vô cơ nhân tạo (xi măng, thuỷ tinh…) có thể gây xơ hóa phổi không hồi phục.
Ngoài ra, trong môi trường lao động có nhiều yếu tố sinh học gây hại như các vi trùng, ký sinh trùng,… gây nên viêm nhiễm hoặc phản ứng dị ứng, các nấm hoặc vi trùng có khả năng tồn tại cao ở ngoại cảnh như lao, bạch hầu dễ gây bệnh cho những người công nhân vệ sinh.
Tác hại nghề nghiệp liên quan tới điều kiện vệ sinh kém
Điều kiện vệ sinh kém trong môi trường lao động là tập hợp bởi nhiều yếu tố như độ thông thoáng trong môi trường, các thiết bị vệ sinh và an toàn lao động,... Các yếu tố do điều kiện vệ sinh của môi trường lao động kém sẽ tác động lên người lao động làm cho các giác quan cũng như toàn thân nhanh chóng mệt mỏi gây đến giảm năng xuất lao động, dễ gây các tai nạn nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp.
Ngoài các tác hại liên quan đến công tác tổ chức lao động của doanh nghiệp thì những tác hại khác công nhân đều có thể phòng tránh được.
Các biện pháp sau giúp phòng tác hại nghề nghiệp cho công nhân
- Tuân thủ nội quy về an toàn lao động: với mỗi công việc khác nhau sẽ có các dây chuyền công nghệ và quy trình sản xuất khác nhau, theo đó doanh nghiệp sẽ có những nội quy về an toàn lao động như khoảng cách an toàn, tư thế lao động an toàn,… chỉ cần một động tác bất cẩn không chấp hành nội quy lao động hay quy trình về an toàn lao động có thể phải gánh chịu hậu quả khôn lường đối với sức khỏe bản thân.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách: đây là những dụng cụ, thiết bị được doanh nghiệp trang bị cho công nhân của mình như quần áo, mũ, kính, giày,… giúp họ đảm bảo an toàn và giảm thiểu những thương tổn có thể xảy ra nếu chẳng may gặp phải các tai nạn lao động. Mỗi một ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động khác nhau. Chính vì thế khi được doanh nghiệp cung cấp đồ bảo hộ lao động, công nhân không được chủ quan và phải sử dụng đúng cách những đồ bảo hộ lao động đó khi làm việc.
- Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý: một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp công nhân có sức khỏe tốt và tăng năng suất lao động. Vì thế cần ăn đủ và đúng bữa, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng; uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể; giữa các ca làm có thời gian nghỉ thì nên tranh thủ nghỉ ngơi không nên dùng điện thoại chơi game hay lên mạng xã hội sẽ khiến đầu óc căng thẳng hơn.
- Tham gia khám sức khỏe định kỳ: các doanh nghiệp ngoài việc trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động cho công nhân thì hàng năm còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân để giúp họ phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe. Chính vì thế công nhân làm việc tại các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ các đợt khám sức khỏe định kỳ này.
BS.Hồ Thị Hồng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh