Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người cùng với thời tiết thay đổi thất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh các dịch bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt là đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền rất dễ mắc bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong dịp Tết và mùa lễ hội
Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngoài ghi nhận các dịch bệnh lưu hành hàng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thì một số bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng ghi nhận số ca mắc tăng so với năm 2023 như bệnh sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản. Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại cũng ghi nhận số ổ dịch và số ca tử vong tăng so với năm 2023. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng ghi nhận ca mắc như đậu mùa khỉ, thủy đậu, quai bị, lỵ,… Mặc dù vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra đã được triển khai, thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm nên hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn được kiểm soát.
Tuy nhiên dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến khó lường và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi. Đặc biệt, thời gian tới là dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, sum họp ăn uống, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, làm gia tăng số mắc.
Người dân nên tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch để chủ động phòng bệnh (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: cúm, sởi, rubella, ho gà…).
Đáng lưu ý là bệnh sởi, bệnh đang được ghi nhận số ca mắc tăng trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên.
Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
Một số bệnh khác lây truyền qua đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng,… cũng thường găp trong dịp Tết và mùa lễ hội bởi bên cạnh các điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển thì việc tiếp xúc, ăn uống chung dễ có nguy cơ lây truyền cảm cúm và các bệnh đường hô hấp khác với các triệu chứng như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, có thể sốt cao,... Đặc biệt, trẻ nhỏ tiếp xúc với người bị cảm có thể phát triển thành viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.
Song song với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp thì các bệnh lý đường tiêu hóa cũng thường gặp trong dịp Tết, ví dụ như bệnh tiêu chảy cấp, lỵ,… Các bệnh này có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân. Chúng có thể lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, các bệnh lưu hành quanh năm trên địa bàn tỉnh cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịp Tết như sốt xuất huyết, tay chân miệng, … và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác vẫn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh.
Các biện pháp giúp người dân chủ động phòng bệnh
Trước nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện tốt các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp này. Đặc biệt là đối với những người có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền.
Cụ thể, mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: cúm, sởi, rubella, ho gà…); Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm; Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người; Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai