Sáng ngày 27-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã chủ trì Hội nghị về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan như: Y tế; Nông nghiệp và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Nội vụ; Tài chính; Công an tỉnh...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Một số dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2025, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, 5/8 bệnh truyền nhiễm phổ biến ghi nhận số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: bệnh tiêu chảy và quai bị đều giảm 51,43%; viêm gan virus khác giảm 32,56%; lỵ Amip giảm nhẹ (1 ca). Không có trường hợp tử vong do các bệnh này.
Tuy nhiên, một số bệnh có xu hướng gia tăng: bệnh thủy đậu ghi nhận 523 ca (tăng 6 ca), cúm mùa ghi nhận 4 ca (tăng 2 ca); bệnh dại gây ra 3 ca tử vong (tăng 3 ca), ho gà 7 ca (tăng 3 ca); não mô cầu 3 ca (tăng 3 ca).
Đáng chú ý, bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng bùng phát với 2.743 ca, tăng gấp 2,13 lần so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Bệnh tay chân miệng ghi nhận 2.178 ca (tăng 7,4%) và bệnh sởi tăng 58,5% với 4.767 ca, trong đó có 1 trường hợp tử vong có tiền sử bệnh tim bẩm sinh. Riêng COVID-19 ghi nhận 20 ca mắc mới, giảm 60% so với năm 2024.
Đối với bệnh dại, trong 4 tháng đầu năm 2025, số người được tiêm vắc xin phòng bệnh dại đạt 15.742 người, tăng 61,84% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 25/5/2025, toàn tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại, xảy ra tại huyện Long Thành (2 ca) và Thống Nhất (1 ca). Đồng thời, phát hiện 13 ổ dịch bệnh dại trên chó tại 4/11 huyện, bao gồm: Long Thành (7 ổ), Cẩm Mỹ (1 ổ), Định Quán (3 ổ), Trảng Bom (2 ổ).

TS.BS Trần Minh Hòa – Giám đốc CDC Đồng Nai báo cáo tình hình dịch bệnh tại hội nghị.
Ngành thú y đã tích cực triển khai điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức tiêm phòng dại cho toàn bộ đàn chó tại các khu vực có nguy cơ, đồng thời tăng cường tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn chó vẫn ở mức thấp, chưa đạt 50%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (tối thiểu 70%).
Về chương trình tiêm chủng mở rộng, toàn tỉnh có 8/14 chỉ tiêu đạt tiến độ, bao gồm các loại vắc xin như: DPT-VGB-Hib 3, bại liệt, sởi tiêm chủng đầy đủ, sởi - rubella, DPT4, viêm não Nhật Bản mũi 2 và mũi 3. Tuy nhiên, một số loại vắc xin khác chưa đạt tiến độ đề ra, trong đó: BCG đạt 36,2%; viêm gan B tiêm trong vòng 24 giờ đạt 30,7%; OPV3 đạt 39,4%; BVTVSS đạt 37,6%; Td đạt 12,9%; UV2+PNCT đạt 32,9%.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương triển khai tiêm vắc xin Uốn ván - Bạch hầu (Td) vào cuối năm học, dẫn đến tỷ lệ tiêm trong những tháng đầu năm còn thấp, điển hình tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Biên Hòa, Long Thành...
Cần bám sát diễn biến dịch bệnh để triển khai các biện pháp xử lý kịp thời
Theo đánh giá tại hội nghị, nguyên nhân khiến một số dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng là do đặc thù của Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, với số lượng lớn công nhân và người nhập cư sinh sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp. Điều kiện sinh hoạt không đảm bảo là yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống dịch còn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Trước tình hình đó, Sở Y tế đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh, chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo lịch khuyến cáo. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh tản phát cũng như ổ dịch tại cộng đồng theo đúng quy định.
Sở Y tế cũng đề xuất triển khai mạnh mẽ các biện pháp vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học (đặc biệt là mầm non, nhà trẻ) và hộ gia đình tại vùng dịch. Cùng với đó là tiếp tục kiện toàn hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh: các sở, ngành cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, phân tích nguyên nhân, đánh giá nguy cơ và kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, đặc biệt tại các địa bàn có nguy cơ cao như xã Bắc Sơn (Trảng Bom), huyện Long Thành – nơi dịch bệnh dại đang gia tăng rõ rệt.
Ông cũng lưu ý rút kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn 2021–2022, nhất là các hạn chế trong việc cung ứng thuốc, vắc xin và điều kiện cách ly. Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án cách ly tại nhà khi đủ điều kiện, thay vì áp dụng cách ly tập trung, nhằm tránh lặp lại những bất cập trước đây.
Giao Sở Y tế cùng Sở Nông nghiệp & Môi trường theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, hằng tuần báo cáo UBND tỉnh, nêu rõ diễn biến từng khu vực, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp để kịp thời chỉ đạo. Đồng thời, Sở Y tế cần thống kê chính xác số lượng trẻ được tiêm chủng, đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Sở Nông nghiệp & Môi trường phải quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dại. Các địa phương để xảy ra dịch bệnh, căn cứ các văn bản hướng dẫn và các quy định của pháp luật sẽ bị xem xét trách nhiệm.
Về phía ngành giáo dục, cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng dịch cho học sinh trong thời điểm thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT, vận động phụ huynh tiêm chủng đầy đủ cho học sinh.
Công an tỉnh được giao kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở karaoke, bar, club… có dấu hiệu gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Đồng thời, phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giam giữ, trại cai nghiện trên địa bàn.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Đồng Nai và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tập trung tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch, khuyến khích người dân không chủ quan, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Bích Ngọc