Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi P.D.A., (13 tuổi, ngụ tại H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau, sưng đỏ bàn chân phải, sốt 39-40 độ, lạnh run.
Trước đó bé A. bị trượt ngã, rách da mặt dưới ngón 2 bàn chân phải, do nhận thấy vết thương nhỏ, không nghiêm trọng nên gia đình đã tự xử lý vết thương tại nhà. Tuy nhiên sang ngày thứ 3, bé A. bắt đầu sốt cao, lạnh run, bàn chân và cổ chân phải sưng to, đau nhức ảnh hưởng giấc ngủ, không đi lại được, nên gia đình đưa bé vào bệnh viện.
Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bé A. được chẩn đoán nhiễm trùng huyết/Viêm mô tế bào bàn chân phải do vết thương rách da ngón 2 bàn chân. Bé được dự phòng uốn ván và điều trị bằng kháng sinh, hiện sức khỏe bé A. đã ổn định, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.

Vết thương dưới chân của bệnh nhân bị viêm mô tế bào.
BS.CKII Trịnh Thu Dung – Trưởng Khoa Nhi cho biết: “Hằng năm, Khoa Nhi tiếp nhận nhiều ca viêm mô tế bào do chấn thương, do côn trùng cắn, do động vật cắn…, trong đó 1 số ca do những vết thương nhỏ nên dễ gây chủ quan như trường hợp ca bệnh trên, có thể dẫn tới những biến chứng nặng nề và thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời”.
BS Dung cũng khuyến cáo, đối với trẻ có những vết thương rách da, đặc biệt là vùng chi dưới hoặc vết thương do đạp đinh, vật sắc nhọn, vết thương do những vật rỉ sét, hay do động vật hoặc người cắn nên: Làm sạch vết thương dưới vòi nước sạch, nước muối sinh lý hoặc oxy già, bôi một lớp mỏng mỡ kháng sinh thông thường (như Neosporin hoặc Bacitracin), sau đó che phủ vết thương bằng gạc sạch hoặc băng dính. Trường hợp da bị tróc một mảng lớn, cho mảng da đã tróc vào một mảnh vải sạch, ẩm, cho vào túi, đặt lên miếng đá lạnh, các bác sĩ có thể xem xét và tiến hành khâu lại vào vết thương. Nếu vết thương có mủ hoặc bị sưng, nề hay đỏ, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để xử lý nhiễm trùng.
Mai Liên