Mới đây, Bệnh viện Đồng Nai 2 đã kịp thời phẫu thuật cứu sống cụ bà 90 tuổi bị thủng dạ dày.
Trước đó, cụ bà Phạm Thị Kim T. (90 tuổi, ngụ An Bình, TP. Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị đột ngột, dữ dội và lan ra toàn bụng.
Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, cụ bà được chẩn đoán là viêm phúc mạc nghi do thủng dạ dày. Trên hình ảnh cắt lớp vi tính cho thấy, có khí tự do ổ bụng, thâm nhiễm mỡ vùng thượng vị, dịch tự do ổ bụng, quanh vùng gan.
BS Đào Ngọc Linh, khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đồng Nai 2, người trực tiếp phẫu thuật cho cụ bà cho biết, cụ bà có tiền sử bệnh thiếu máu trung bình – nặng, bệnh thoái hóa khớp và lớn tuổi. Đây là những yếu tố khó khăn trong việc khai thác thời gian khởi phát đau và gây mê phẫu thuật cho bệnh nhân, do khả năng chịu đựng cuộc phẫu thuật, cũng như hồi sức sau mổ.

Bác sĩ thăm khám cho cụ bà sau phẫu thuật.
Ngay lập tức bệnh nhân đã được hồi sức và chuyển mổ cấp cứu. Ê kip phẫu thuật đã nhanh chóng cắt ổ loét dạ dày và khâu lỗ thủng có đường kính 15mm. Sau phẫu thuật, cụ bà được truyền 4 đơn vị máu và chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi sát sao. Sau 14 ngày điều trị tích cực, cụ bà đã ăn uống được, sức khỏe tiến triển tốt và đã được xuất viện.
"Viêm loét dạ dày mạn tính sẽ nguy hiểm hơn và có thể gây biến chứng thủng dạ dày đối với các nhóm người như: người thường xuyên hút thuốc lá; thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm; có tiền sử viêm loét dạ dày; trên 50 tuổi; sử dụng các chất kích thích như rượu, bia... và người thiếu máu. Khi bị thủng dạ dày, người bệnh sẽ có những triệu chứng như: đau bụng đột ngột, dữ dội như dao đâm tập trung nhiều ở thượng vị; bụng co cứng như gỗ; nôn khan, sau nôn vẫn không giảm đau; bí trung đại tiện.Khi có những dấu hiệu này, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như: viêm phúc mạc toàn thể, sốc do nhiễm trùng nhiễm độc, nặng hơn có thể dẫn tới tử vong" - BS Linh khuyến cáo.
Lê Quyên