Công tác bảo đảm An toàn thực phẩm (ATTP) trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là vô cùng quan trọng. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo được nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, an toàn, nhằm bảo vệ sức khỏe, giúp người dân vui xuân đón Tết.
Vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện ngành Y tế đang quản lý 12.151 cơ sở, trong đó Chi cục quản lý 1.032 cơ sở, tuyến huyện quản lý 4.062 cơ sở và tuyến xã quản lý 7.057 cơ sở.
Trong năm 2024, đã kiểm tra 12.667 cơ sở, trong đó có 11.679 cơ sở đạt, chiếm tỉ lệ hơn 92%, số cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính là 90, với tổng số tiền gần 850 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: nơi chế biến kinh doanh bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực; không đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng liệu không bảo đảm vệ sinh.
Ông Nguyễn Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết, mặc dù công tác thanh kiểm tra trong thời gian qua đã được đẩy mạnh, tuy nhiên tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó kiểm soát triệt để. Trong năm 2024 toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, với 657 ca mắc và 1 ca tử vong.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác ATTP tại công ty trên địa bàn H.Long Thành.
Theo ông Minh, nguyên nhân do tỉnh Đồng Nai tập trung nhiều doanh nghiệp có nhiều bếp ăn tập thể và Đồng Nai cũng là địa phương phát triển về chăn nuôi, nên việc kiểm soát ATTP ngay từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ không giấy phép chưa được kiểm soát triệt để, số lượng cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó ý thức tuân thủ pháp luật của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa cao.
Việc kết nối chuỗi thực phẩm an toàn đến các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống chưa hiệu quả, do giá cả cao hơn so với giá thị trường, vì vậy các doanh nghiệp, cơ sở tìm đến các nguồn cung cấp rẻ hơn, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ, môi trường xung quanh nơi chế biến chưa được kiểm soát thường xuyên, việc lưu mẫu và kiểm thực 3 bước mang tính hình thức…
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm ATTP
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP tỉnh về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Văn phòng HĐND - UBND H. Tân Phú, phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức, thực hiện theo phân công theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025. Trong đó, tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, chú trọng các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tổ chức hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2025 như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm,...
Theo đó, nội dung kiểm tra tập trung vào chất lượng an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm.
Phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Công khai các hành vi, vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng. Đồng thời, sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Thanh Tú