Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã từng ghi nhận có ca bệnh, mặc dù trong vòng 10 năm nay không còn ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên việc kiểm dịch, giám sát và phòng ngừa chủ động được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) thực hiện thường xuyên để phát hiện sớm và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, nhất là tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh luôn có lượng lớn tàu quốc tế cập cảng.
Thực hiện giám sát thường xuyên
Kỹ sư Nguyễn Phi Long, Phó khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Đồng Nai cho hay, bệnh dịch hạch lưu hành trên chuột và lây sang người qua bọ chét vẫn được ghi nhận rải rác tại một số quốc gia. Từ năm 2010 đến 2015, trên thế giới đã ghi nhận 3.248 trường hợp mắc, trong đó có 584 trường hợp tử vong. Mặc dù nhiều năm nay trên địa bàn Đồng Nai không ghi nhận ca bệnh dịch hạch nào, tuy nhiên công tác giám sát vẫn được triển khai thường xuyên, liên tục. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã xây dựng hướng dẫn giám sát và kiểm soát một số véc tơ và chuột truyền bệnh tại cửa khẩu và sẽ sớm ban hành, điều này sẽ giúp cho việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong đó có dịch hạch được hiệu quả hơn.
Tại Đồng Nai, ngoài việc giám sát trọng điểm do Viện Pastuer TP.HCM thực hiện, cùng với hệ thống giám sát phát hiện ca bệnh từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế tuyến phường, xã thì việc giám sát vật chủ (chuột) và giám sát véc tơ truyền bệnh (bọ chét) là công việc đang được CDC Đồng Nai thực hiện thường xuyên.
Theo kỹ sư Long, hiện Đồng Nai có 17 cảng biển lớn nhỏ chia làm 3 cụm, các cụm cảng này có sự giao thương hàng hoá rất lớn với các nước trên thế giới, cũng như trong khu vực châu Á, vì vậy để kịp thời ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ các tàu vận tải nước ngoài vào Đồng Nai hàng tháng khoa đều phân công nhân lực thực hiện hoạt động giám sát thường xuyên.

Anh Phạm Trường Thọ, nhân viên Khoa Kiểm dịch quốc tế (CDC Đồng Nai) đặt bẫy chuột tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai).
Anh Phạm Trường Thọ, Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Đồng Nai - người đã có hơn 20 năm làm công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có hơn 10 năm làm công tác giám sát bệnh dịch hạch cho hay, theo quy định của Bộ Y tế thì ở mỗi cảng phải tiến hành đặt bẫy mỗi tháng 1 lần, với số lượng phải đặt là 100 bẫy mỗi đêm và phải đặt bẫy trong vòng 3 đêm liên tục. Công việc khá vất vả, bản thân tôi và nhân viên trong khoa thường phải đi 4 ngày 3 đêm, sau khi đặt bẫy xong thì phải ở lại để sáng hôm sau thu lượm bẫy, nếu có chuột thì phải tiến hành mổ lấu mẫu, bảo quản, rồi lại chuẩn bị mồi bẫy cho đêm tiếp theo, hầu như không có thời gian rảnh.
“Để bẫy được chuột chúng tôi thường phải đặt rải rác trong các kho, bãi, những nơi khuất và có khả năng động vật gặm nhấm qua lại kiếm ăn. Sau khi bẫy được chuột chúng tôi tiến hành thu thập bọ chét trên chuột và bảo quản chúng, sau đó tiến hành mổ chuột để lấy mẫu bệnh phẩm gồm gan, lá lách, máu, sau đó đóng gói vận chuyển về Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, với những con chuột đã được mổ để lấy mẫu chúng tôi vận chuyển về trạm y tế xã và nhờ xử lý theo quy định”, anh Thọ nói.
Nỗ lực làm tốt nhiệm vụ dù công việc vất vả, đối diện rủi ro
Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng với những người làm công việc như anh Thọ cũng có nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ bị uốn ván do giẫm phải đinh hoặc lồng sắt đâm phải hay nguy cơ bị bệnh dại do quá trình mổ chuột bị chuột cắn, vì thế để phòng bệnh, định kỳ anh Thọ đều chích ngừa hai loại vắc xin phòng các bệnh trên.
Nói về những khó khăn trong công việc, anh Thọ chia sẻ: “Với mỗi cảng tôi sẽ lấy mẫu 2 lần trong năm, chia đều cho 17 cảng lớn nhỏ thì lịch lấy mẫu của tôi hầu như đều kín. Mỗi tháng tôi thường đi từ 2 đến 3 tuần, thậm chí có tháng phải đi cả 4 tuần nên không mấy khi ở nhà, không những lấy mẫu tôi còn đảm nhiệm thêm công việc bảo quản và vận chuyển mẫu, với mẫu bệnh này sau khi lấy xong phải vận chuyển ngay lên Viện Pastuer TP.HCM do tại CDC Đồng Nai chưa có kho lạnh bảo quản mẫu theo quy định. Thêm một khó khăn nữa là hiện nay quy trình lấy mẫu phải đảm bảo gây mê chuột trước khi lấy mẫu nhưng do quy trình quản lý sử dụng thuốc gây mê khá khó khăn vì thế việc lấy mẫu tôi thực hiện thủ công bằng cách mổ sống chuột tại chỗ nên nhiều lần bị chuột cắn trầy xước tay. Công việc tuy vất vả nhưng điều chúng tôi vui nhất là cho đến nay Đồng Nai nói riêng và Việt Nam không còn ghi nhận ca bệnh dịch hạch”.


Sau khi bẫy chuột sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pastuer TP.HCM xét nghiệm tìm vi khuẩn dịch hạch.
Chia sẻ về kỉ niệm nhớ nhất trong hơn 10 năm làm công việc thầm lặng này anh Thọ cho biết, khoảng năm 2015 lúc đó anh đang trên đường đi làm thì nhận được thông tin của Viện Pastuer TP.HCM về việc có mẫu nghi ngờ nhiễm bệnh hiện đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định, lúc đó bản thân anh cũng lo lắng nhiễm bệnh, đồng thời phải lên phương án để tham mưu xử lý tránh việc lây lan bệnh ra cộng đồng, rất may sau đó mẫu bệnh phẩm cho kết quả âm tính.
Cũng theo anh Thọ, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng bệnh dịch hạch, đó là chủ động vệ sinh môi trường, nơi ở, tránh để chuột và các loại gặm nhấm chui rúc, làm tổ. Ăn chín, uống sôi và phải đảm bảo đồ ăn, thực phẩm được che đậy an toàn tránh để chuột tiếp xúc. Đồng thời diệt chuột, bọ chét bằng các phương pháp thông thường như đặt bẫy, phun thuốc, nuôi mèo, rắn để bắt chuột... Tránh cho các vật nuôi khỏi bọ chét bằng cách dùng thuốc diệt bọ chét. Đeo găng tay khi xử lý động vật chết để tránh tiếp xúc với vi khuẩn dịch hạch…
Theo ước tính của Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, trước năm 1980 số ca mắc bệnh dịch hạch ở Việt Nam cao nhất thế giới. Trong thời kỳ 1960 và 1970, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10 ngàn ca bệnh (chủ yếu ở miền Nam). Từ 1996 đến 2000 cả nước chỉ còn khoảng 140 trường hợp với 7 ca tử vong. Hai ca mắc bệnh cuối cùng tại Việt Nam được ghi nhận vào tháng 8-2002 và hiện nay bệnh hầu như không còn xuất hiện. |
Hoàn Lê