Nhờ triển khai được kỹ thuật cao trong điều trị bệnh vô hạch thần kinh đại tràng (bệnh Hirschsprung) như hạ đại tràng qua đường hậu môn, hạ đại tràng qua đường hậu môn kết hợp nội soi ổ bụng, đã giúp cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiếm gặp này được cứu sống. Đây là kỹ thuật có nhiều ưu điểm, ít xâm lấn, ít biến chứng, an toàn, tính thẩm mỹ cao, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, vào năm 2007 bệnh viện đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật hạ đại tràng qua hậu môn để điều trị bệnh Hirschsprung trên những trẻ lớn, đến năm 2016 mới áp dụng trên trẻ sơ sinh. Bởi vậy, đã có nhiều trẻ sơ sinh sớm được phẫu thuật để chấm dứt căn bệnh.
Điển hình như trường hợp mới đây nhất là bé gái sơ sinh con của sản phụ Đ.T.T. (ngụ phường Tân Phong, TP Biên Hoà). Trước đó, vào ngày 27-3, bé gái nhập viện ngay sau khi sinh, trong tình trạng sinh non 32 tuần, nặng 1,8kg, suy hô hấp, thở co lõm 54lần/phút, chậm tiêu phân su.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh màng trong, nên đã tiến hành điều trị suy hô hấp, bệnh màng trong, nhiễm trùng sơ sinh, đồng thời hỗ trợ dinh dưỡng, nâng tổng trạng cho bệnh nhi. Sau 2 tuần, bé tăng 200g, hô hấp cải thiện hơn. Tuy nhiên, lúc này bé có biểu hiện chướng bụng, khó đi cầu, phải đặt thông hậu môn nhiều lần nhưng không giảm. Các bác sĩ đã hội chẩn, cho bệnh nhi chụp X-Quang đại tràng và xác định bé mắc thêm chứng bệnh vô hạch thần kinh đại tràng bẩm sinh.

BS. Vũ Công Tầm thăm khám sức khỏe cho bé gái sơ sinh bị bệnh Hirschsprung sau ca phẫu thuật hạ đại tràng qua đường hậu môn.
Ngày 4-5, các bác sĩ đã tiến hành ca mổ bằng phương pháp hạ đại tràng qua đường hậu môn và cắt đi đoạn ruột mất chức năng dài 19cm, khâu nối đoạn đại tràng bình thường với hậu môn. Sau 90 phút, ca mổ đã thành công.
Theo bác sĩ Vũ Công Tầm, với phương pháp trước đây bệnh Hirschsprung phải tiến hành 3 cuộc mổ, lần đầu tiên là làm hậu môn tạm cho bệnh nhi, nuôi cho bé lớn 10kg mới mổ lần 2 để cắt đoạn đại tràng không có thần kinh, lần 3 đóng hậu môn tạm.
Từ khi triển khai kỹ thuật hạ đại tràng qua đường hậu môn, bác sĩ chỉ rạch 1 đường vòng quanh niêm mạc bên trong hậu môn rồi từ đó hạ đại tràng qua hậu môn, cắt hết đoạn ruột bị vô hạch thần kinh, sau đó nối đoạn ruột bình thường lại với hậu môn.
Kỹ thuật này có ưu điểm đó là cắt đại tràng mà không phải mổ bụng và rút ngắn số lần mổ từ 3 lần xuống còn 1 lần, cho nên hạn chế được xâm lấn, ít gây nhiễm trùng, ít chảy máu, cuộc mổ nhẹ nhàng, hồi phục nhanh nên nhiều trẻ sơ sinh đã chịu được cuộc mổ.

Một trẻ đang hồi phục sức khỏe, bú được sữa sau khi được phẫu thuật thành công chứng bệnh Hirschsprung.
Ngoài ra, vào cuối năm 2019, bệnh viện đã triển khai thêm kỹ thuật hạ đại tràng qua hậu môn kết hợp với nội soi ổ bụng. Kỹ thuật này áp dụng khi đoạn đại tràng cần cắt quá dài và nằm phía trên cao của ổ bụng thì ứng dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng để cắt mạc treo đại tràng và khâu cầm máu giúp cho việc hạ đại tràng qua hậu môn được thuận lợi và bệnh nhân không phải mổ bụng.
“Trong những thập kỷ trước, khi chưa mổ được ở trẻ sơ sinh như bây giờ, bệnh nhi và gia đình rất vất vả vì phải sống chung với bệnh từ 3-5 năm, phải thường xuyên thụt tháo phân, chữa trị viêm ruột rất cực nhọc, trẻ suy kiệt, bụng các bệnh nhi ngày càng phình to. Ngày nay, với kỹ thuật ngày càng hiện đại này đã giúp cho bệnh nhi được mổ từ rất sớm, hồi phục nhanh và sớm thoát khỏi bệnh tật” – bác sĩ Tầm nói.
Hirschsprung là bệnh bẩm sinh rất hiếm gặp, tần suất 1/5000 trẻ sinh sống. Bệnh do đoạn cuối của đại tràng bị thiếu vắng tế bào thần kinh ruột làm cho ruột bị liệt, mất chức năng bài xuất phân qua hậu môn. Từ đó gây táo bón và chướng bụng ngày càng to. Những trường hợp này phân ứ đọng lâu ngày gây viêm ruột rất nặng, có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu và tử vong.
Gia Nhi