Sáng ngày 7-8, tại Khách sạn Đồng Nai, Sở Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh và Bệnh viện Y dược cổ truyền – PHCN tỉnh Cà Mau. Đây là lần lấy ý kiến sau cùng để Sở Y tế hoàn chỉnh dự thảo, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện.
BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì tại buổi Hội thảo.
Theo đó, Dự thảo đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023-2030 như: đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các huyện, thành phố triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng; đảm bảo 100% cơ sở PHCN (gồm các bệnh viện, trung tâm y tế có khoa PHCN, khoa Y học cổ truyền - PHCN, tổ PHCN) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển; phấn đấu trên 90% cơ sở khám, chữa bệnh có triển khai hoạt động PHCN đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế cung cấp dịch vụ PHCN đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, PHCN theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại diện Bệnh viện ĐK Đồng Nai đóng góp ý kiến tại buổi Hội thảo.
Về phát triển nguồn nhân lực, chỉ tiêu đề ra tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10 ngàn dân. Đồng Nai cũng phấn đấu phát triển Bệnh viện Y dược cổ truyền thành bệnh viện chuyên khoa hạng II, có khoa/trung tâm PHCN, để thực hiện tốt công tác PHCN cho người khuyết tật, người bị bệnh nghề nghiệp và các đối tượng khác có nhu cầu…
Về tầm nhìn đến năm 2050, tại tất cả các tuyến trong ngành y tế đều thực hiện được PHCN đa chuyên ngành, với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện, liên tục, chất lượng; Đẩy mạnh hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết các vấn đề khuyết tật trên địa bàn tỉnh, tiến tới triển khai PHCN dựa vào cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố trong tỉnh và được tích hợp trong nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế; Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật Phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.
Đại diện Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai góp ý cho Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các Sở, bệnh viện, trung tâm y tế để tổng hợp, điều chỉnh lại để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện trong tháng 8 này.
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 243.457 đối tượng cần hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ y tế, trong đó: Có 181.344 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), gần 30.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em sống trong các hộ nghèo, trên 25.000 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 8.674 nạn nhân da cam/dioxin, 4.200 người tâm thần, thiểu năng trí tuệ.
Gia Nhi