Bệnh dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, với tỷ lệ tử vong gần như 100% khi đã phát bệnh, do hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tại Đồng Nai, thời gian gần đây đã ghi nhận trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Dù vậy, không ít người dân vẫn còn chủ quan, chưa thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, thậm chí còn thả rông chó mà không kiểm soát. Chính sự lơ là này đã làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.  

Ông Nguyễn Trường Giang – Chi cục trưởng

Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Trường Giang  – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh Đồng Nai: “Bệnh dại đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh xuất phát từ việc nuôi chó thả rông, không được tiêm phòng đầy đủ đã làm tăng nguy cơ lây lan vi rút dại sang người qua vết cào, cắn. Thực trạng này không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng con người. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động tiêm phòng cho vật nuôi, quản lý chặt chẽ đàn chó, không thả rông để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.  

PV: Gần đây, bệnh dại có dấu hiệu gia tăng, gây nhiều lo ngại trong cộng đồng. Ông có thể chia sẻ về tình hình dịch bệnh này tại tỉnh Đồng Nai hiện nay?

Ông Nguyễn Trường Giang: Bệnh dại là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, không chỉ tại Đồng Nai mà còn trên phạm vi cả nước. Trong năm 2024, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 41 ca bệnh dại trên chó, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, và 3 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Từ đầu năm 2025 đến nay, đã có 6 ca bệnh dại trên chó và 2 trường hợp tử vong.

Điều đáng lo ngại là hầu hết các ca mắc và tử vong đều liên quan đến chó thả rông, không rõ nguồn gốc và chưa được tiêm phòng vắc xin dại. Hiện nay, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh khoảng 250 ngàn con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng vắc xin chỉ đạt từ 20-30%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế.

PV: Phần lớn các ca tử vong do bệnh dại đều liên quan đến chó thả rông hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ. Ông đánh giá thế nào về mức độ nguy hiểm của thực trạng này?  

Ông Nguyễn Trường Giang: Việc nuôi chó thả rông, không kiểm soát và không tiêm phòng vắc xin dại tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Hệ lụy của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến y tế mà còn tác động nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội và an toàn giao thông. 

Trước hết là gây tổn thất về kinh tế. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 10 năm về tác động kinh tế của bệnh dại tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, chi phí phát sinh do điều trị cho bệnh nhân bị chó cắn và phải tiêm vắc xin lên tới hơn 700 triệu USD. Trong khi đó, biện pháp tiêm phòng mở rộng cho chó lại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, với chi phí chỉ khoảng dưới 2 USD/con.

Thứ hai là tác động về mặt xã hội, bệnh dại bùng phát có nguy cơ lây sang người, gây tử vong và tác động tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội. Nhà nước phải huy động nguồn lực lớn để kiểm soát và dập dịch. Đối với người dân, dịch bệnh lây lan có thể ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người, đặc biệt là những người làm việc trong các ngành liên quan đến chăn nuôi, kinh doanh thú cưng hoặc dịch vụ y tế. Gia tăng áp lực lên hệ thống y tế trong công tác điều trị dự phòng cho những người bị chó, mèo cắn.

Thứ ba, chó thả rông trên đường có thể gây ra nhiều vụ tai nạn, đe dọa an toàn của người tham gia giao thông. Ngoài ra, chó thả rông không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, đặc biệt là ở các khu vực công cộng. 

Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ đàn chó, mèo, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại, là giải pháp cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

PV: Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã triển khai những biện pháp gì để kiểm soát tình trạng chó thả rông và ngăn chặn bệnh dại? Những biện pháp này có đang phát huy hiệu quả như mong đợi không?

Ông Nguyễn Trường Giang: Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn. Ngày 25-3 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phát động tháng tiêm phòng vắc xin dại cho các đàn chó, mèo trên địa bàn, kéo dài từ 30-3 đến ngày 24-4-2025, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Với tổng đàn vật nuôi hiện nay khoảng 250 ngàn con, tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 20-30%. Để tạo miễn dịch cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của bệnh dại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm phòng, hướng tới mục tiêu trên 70% trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đã yêu cầu chủ vật nuôi ký cam kết thực hiện quản lý và tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo. Một số địa phương cũng đã thành lập đội chuyên trách xử lý tình trạng chó thả rông tại khu vực công cộng, đặc biệt tại khu dân cư và trường học, nhằm giảm nguy cơ lây lan bệnh dại. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Lưu Văn Dũng trao giải thưởng cho các em học sinh đạt thành tích cao trong cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bệnh dại”.

Trong năm 2024, Chi cục đã phối hợp với CDC Đồng Nai tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bệnh dại” dành cho học sinh, thu hút hơn 100 ngàn em từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông tham gia. Bên cạnh đó, đã xây dựng hai video tuyên truyền về phúc lợi động vật và kỹ năng phòng chống bệnh dại, thu hút hơn 10.000 lượt xem. 

Dù đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Đồng Nai vẫn ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh dại, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 2 ca tử vong. Điều này cho thấy các biện pháp phòng, chống bệnh dại vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo còn thấp và tình trạng thả rông chó chưa được kiểm soát triệt để.

PV: Để kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh dại và chó thả rông, theo ông, trong thời gian tới cần có những giải pháp gì mạnh mẽ hơn?

Ông Nguyễn Trường Giang: Để kiểm soát hiệu quả hơn tình trạng bệnh dại và chó thả rông trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ hơn, tập trung vào các nhóm hành động sau:

Trước tiên là nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin, bắt buộc tiêm phòng vắc xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng lưu động, hỗ trợ miễn phí hoặc trợ giá cho hộ nghèo, cận nghèo để đảm bảo không có trường hợp vật nuôi chưa được tiêm phòng do khó khăn kinh tế.

Lực lượng chức năng bắt cho thả rông trong cộng đồng dân cư.

Thứ hai là siết chặt quản lý chó thả rông, triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát, xử phạt nghiêm đối với chủ vật nuôi không rọ mõm, không xích hoặc thả rông chó tại nơi công cộng. Thành lập và duy trì các đội chuyên trách bắt giữ chó thả rông, thực hiện xử lý theo quy định. Đồng thời tăng cường chế tài xử phạt, áp dụng các mức xử phạt nghiêm minh đối với chủ nuôi không thực hiện tiêm phòng hoặc để chó cắn người mà không có biện pháp kiểm soát. Công khai các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức cộng đồng.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại và người nuôi phải có trách nhiệm tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi, đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; thực hiện nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó, mèo ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt. Bên cạnh đó, cần đưa nội dung phòng, chống bệnh dại vào chương trình giáo dục tại trường học nhằm giúp học sinh có ý thức bảo vệ bản thân và tuyên truyền đến gia đình. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ dân phố, thôn xóm trong giám sát tình trạng chó thả rông và vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về tiêm phòng. Khuyến khích thành lập các nhóm giám sát cộng đồng để phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phối hợp giữa ngành y tế và thú y trong giám sát, xử lý các ổ dịch và triển khai tiêm phòng. Xây dựng hệ thống báo cáo dịch bệnh nhanh chóng, kịp thời để có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Bệnh dại là mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng con người, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Chủ động tiêm phòng, quản lý vật nuôi và nâng cao nhận thức chính là chìa khóa để đẩy lùi căn bệnh này. Việc thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp kiểm soát tốt hơn bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu các rủi ro do chó thả rông gây ra.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Trường Giang!

Bích Ngọc (thực hiện)

Share with friends

Bài liên quan

Tăng cường công tác thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám chữa bệnh
Triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết
Tặng bảng standee về “Chăm sóc da trứng cá tuổi dậy thì” cho 5 trường học
Bộ Y tế đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế lên tối thiểu 50% đối với học sinh
Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để phòng, chống dịch sởi
Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới sự hài lòng người bệnh
Phát động tháng tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh
Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin để phòng, chống dịch sởi
Họp mặt kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3
[Video] Công tác xã hội bệnh viện: Điểm tựa cho người bệnh yếu thế
Đồng Nai có 113 Trạm y tế đạt Bộ tiêu quốc gia về y tế xã năm 2024
Bệnh viện ĐK Thống Nhất tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong Ngày Công tác xã hội
Thu hồi thuốc cốm pha hỗn dịch uống Pyfaclor Kid không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Đồng Nai trước nguy cơ già hóa dân số - Cần làm gì để điều chỉnh?
Triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, triển khai phun hóa chất diện rộng phòng, chống dịch
Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3: Công tác xã hội bệnh viện - Tiếp thêm hy vọng cho bệnh nhân khó khăn
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai: Lá cờ đầu trong phong trào xây dựng cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị gãy xương đùi phức tạp
Sở Y tế chấn chỉnh hoạt động các phòng khám đa khoa

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN