Nghề Y là một nghề đặc biệt cao quý bởi nó gắn liền với tính mạng của bệnh nhân. Đồng Nai với hơn 12.600 cán bộ, nhân viên, người lao động đang công tác trong ngành y và hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế đã về hưu khác, những con người này đang ngày đêm thầm lặng viết nên những câu chuyện nghề của riêng mình, góp phần tô đẹp cho ngành nghề cao quý mà họ đã lựa chọn cống hiến. Dưới đây là một số câu chuyện góp nhặt trong vô số những câu chuyện tử tế và cảm động của ngành y tế tỉnh. 

“Còn nước còn tát!” 

Tôi (người viết) gặp ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang (Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng Đồng Nai) khi chị vừa ra ca trực để xin ghi chép về những câu chuyện đẹp nghề y. Còn chưa kịp thay bộ đồng phục, với nụ cười thân thiện trên môi, BS sĩ Trang bộc bạch: “15 năm gắn bó với nghề này, mình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng các bệnh nhi và người nhà của trẻ. Mỗi ca bệnh là một kỷ niệm. Nhưng trường hợp khiến mình và anh chị em trong khoa ấn tượng nhất là bé L.Đ.N (13 tuổi), nhập viện ngày 1 tết Nguyên đán năm 2019 khiến cả Khoa đón tết trong bệnh viện vì phải trực tăng cường. 

Ths.BS Phạm Thị Kiều Trang đang thăm khám cho 1 bệnh nhi.

Bé N bị tai nạn khi chơi tàu lượn siêu tốc tại Khu du lịch Bửu Long (TP. Biên Hòa), nhập viện trong tình trạng sốc đa chấn thương (vỡ gan, vỡ lách, xuất huyết vùng bụng, gãy tay chân, không đo được mạch và huyết áp…), tiên lượng tử vong. Tuy nhiên, nhiệm vụ của bác sĩ là cứu sống bệnh nhân, còn nước là còn tát nên chúng tôi đã cố gắng hết sức. Bệnh viện đã phải kích hoạt hệ thống báo động đỏ để có sự phối hợp đa chuyên khoa một cách nhanh chóng, khẩn trương nhất, chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân. Bé N đã trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật với tổng thời gian điều trị hơn 2 tháng. Điều mình nhớ mãi là lúc mổ cho bé, phải lập phòng mổ dã chiến vì bé đa chấn thương nặng, phải gắn nhiều máy móc, thiết bị không thể di chuyển vào phòng mổ được. 

Sau phẫu thuật, tình hình của bé cũng diễn tiến khó lường. Có lần bé bị nhiễm trùng nặng, diễn tiến xấu, tưởng chừng không qua khỏi. Nhất là vùng da ở lưng bị hoại tử nặng, phải cắt lọc nhiều lần. Tuy nhiên, ê-kíp điều trị dưới sự chỉ đạo của ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa (lúc đó là Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc) vẫn quyết không bỏ cuộc. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ê-kíp, điều kỳ diệu đã xảy ra, cháu bé đã qua được nguy kịch và từ từ phục hồi.

Tuy nhiên, niềm vui chưa tròn thì lại phát hiện bé bị sang chấn tâm lý phải tiếp tục điều trị tâm lý và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Lúc đó, bé không giao tiếp, tiếp xúc với bất cứ ai. Các bác sĩ và điều dưỡng ở đây vừa là người điều trị, chăm sóc, vừa là người bầu bạn để giúp bé kết nối, hòa nhập với mọi người. 

Ngày ra viện, nghe bé cất tiếng cảm ơn mà mình vỡ òa cảm xúc vì cuối cùng, chúng tôi đã thực sự chiến thắng thần chết bằng tình thương và sự cố gắng bền bỉ. Sau khi ra viện, thỉnh thoảng bé N trở lại khoa thăm mọi người. Mỗi lần bé đến, mình đều xúc động khi nhìn bé mạnh khỏe, lớn lên từng ngày và có thể học tập, sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Những lúc đó, mình cảm thấy hạnh phúc với nghề nghiệp mà mình lựa chọn, bởi nó đã cứu nhiều bệnh nhi khỏi tay tử thần một cách thần kỳ, để các con có cơ hội được tiếp tục cuộc sống tươi đẹp phía trước”.

“Đợi chờ là… chết”

Chia sẻ về cơ duyên khi đến với nghề Y, BS.CKI  Nguyễn Thị Kim Hà, hiện là Phó giám đốc TTYT Cẩm Mỹ cho biết: “Hồi nhỏ bản thân tôi cũng nhiều bệnh tật, sức khỏe yếu, có lần bị bệnh nặng suýt chết nhưng nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa nên mới thoát chết. Vì vậy, khi lớn lên tôi quyết tâm theo nghề y, như một cách để trả ơn đời!”. Với tâm thế đó nên dù ở cương vị công tác nào, BS Hà cũng hết mình với công việc. Lúc còn công tác tại Khoa Sản – BV Cẩm Mỹ, do thiếu bác sĩ nên dù mới sinh con hơn 1 tháng nhưng có những trường hợp cần xử lý, đêm hôm BS Hà cũng không quản ngại mang con vô bệnh viện mổ cho bệnh nhân xong lại đưa con trở về. Cũng có lần đang chuẩn bị mổ cấp cứu thì nghe tin mẹ bị té ngã bất tỉnh, nhưng tính mạng của bệnh nhân cũng đang ở trong tay mình. BS Hà đành gác lại việc riêng để hoàn thành ca mổ mới vội vàng chạy về nhà xử lý việc riêng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hà.

Trải qua hơn 20 năm công tác với chuyên ngành chính là bác sĩ sản khoa, từng thực hiện nhiều ca mổ cấp cứu “lấy con”nhưng BS Hà ấn tượng nhất là trường hợp mổ cho sản phụ Đào Thị Kim Lê vào tháng 8 năm 2021. Vì sợ COVID-19 mà sản phụ này lâu ngày không đi khám thai. “Hôm đó, sau khi mổ 2 ca và cấp cứu cho một ca đẻ rớt, tôi về khoa hơi muộn, nhìn ra dãy ghế thấy còn một số thai phụ đến trễ do làm xét nghiệm COVID-19. Đặt biệt, có một sản phụ trẻ mặt mày tái mét nên tôi cho siêu âm trước. Khi siêu âm thì tá hỏa vì thai bị suy nặng, tim thai chỉ còn 40-60 lần/phút (tim thai bình thường là 120-160 lần/phút), nước ối khô cạn. Vì vậy, tôi báo động cả khoa truyền dịch hồi sức cho sản phụ. Bỏ qua thủ tục hành chính, tôi báo lên lãnh đạo bệnh viện và quyết định mổ để cứu em bé. Ngặt một nỗi, lúc đó sản phụ không có người nhà đi cùng và chưa kịp làm xét nghiệm gì. Lãnh đạo bệnh viện cũng đắn đo hỏi tôi có chắc cứu được em bé hay không? Tuy nhiên, trong tình thế không thể trì hoãn, tôi đã đưa ra một quyết định táo bạo là mổ hồi sức bé và cho quay phim lại tất cả quá trình cấp cứu, phẫu thuật, hồi sức em bé, phòng trường hợp người nhà thưa kiện nếu rủi ro xảy ra. Miệng nói tay làm, chỉ chưa đầy 1 phút từ khi đặt dao mổ lên bụng sản phụ, em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ nhưng đã ngưng tim, ngưng thở. Tôi và ê-kíp nhanh chóng cấp cứu hồi sức cho bé. Trộm vía, sau khoảng 3 phút thì bé cất tiếng khóc vang, phá tan bầu không khí căng thẳng của phòng mổ. Tôi và ê-kíp lúc đó mới thở phảo nhẹ nhõm” - BS Hà kể lại với giọng đầy xúc động!

Nói về ca mổ đặc biệt này, BS Hà nửa đùa nửa thật: “Người ta nói đợi chờ là hạnh phúc, nhưng tôi lúc đó trong tình huống đợi chờ là…chết, vì tính mạng của trẻ chỉ còn tính bằng phút”.

Với sự nhiệt huyết, bản lĩnh của một bác sĩ sản khoa dày dạn kinh nghiệm, BS Hà đã mổ cấp cứu thành công cho nhiều trường hợp sản phụ trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Đồng nghiệp hay gọi BS Hà là “Chị Đại”, là “Siêu nhân”... vì lúc nào cũng thấy chị đầy năng lượng, làm việc nhanh - dứt khoát, miệng nói tay làm, ít thấy nghỉ ngơi. Có lẽ vì vậy mà chị trở thành người truyền cảm hứng cho các bác sĩ trẻ trong khoa.

“Có người cần là tôi sẵn sàng hiến” 

Sinh năm 1984 (39 tuổi) nhưng dược sĩ Phạm Đoàn Minh Hiếu – công tác tại Phòng Vật tư y tế – BVĐK Đồng Nai đã 26 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Trong đó, lần hiến máu khiến anh nhớ mãi là vào năm 2019, khi đang làm việc, anh Hiếu nghe bệnh viện phát thông báo tại Khoa Cấp cứu đang có 1 bệnh nhân bị tai nạn giao thông cần truyền máu gấp, trong khi ngân hàng máu tại bệnh viện không còn nhóm máu A. Biết mình thuộc nhóm máu bệnh nhân đang cần, không chút đắn đo, anh Hiếu lập tức đến khoa cấp cứu hiến máu, giúp đồng nghiệp có đủ nguồn máu để phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân.

Chia sẻ về việc làm của mình, anh Hiếu vui vẻ: “Không phải mình tôi đâu, lúc đó các anh chị nhóm máu A nghe thông báo cũng đã nhanh chóng đến tham gia hiến máu để cứu bệnh nhân. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Chỉ sợ máu mình không ai cần chứ có người cần là tôi sẵn sàng hiến cho đến khi nào không thể hiến máu được nữa thì thôi”. 

Dược sĩ Phạm Đoàn Minh Hiếu trong một lần hiến máu tình nguyện.

Là người làm trong ngành y, hơn ai hết, anh hiểu được sự quý giá của những giọt máu cho đi trong việc cứu sống bệnh nhân. Vì vậy, đều đặn 6 tháng một lần, anh Hiếu đều đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện tại bệnh viện. Đến nay, anh Hiếu đã có 26 lần hiến máu và được Trung ương Hội chữ thập đỏ tặng Kỷ niệm chương vì đã có thành tích trong phong trào Hiến máu nhân đạo.

“Hạnh phúc khi được giúp người khác”

Trải qua 36 năm gắn bó với nghề nữ hộ sinh, cô Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1969, công tác tại Trạm Y tế xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu từ năm 1987-2021) đã từng đỡ đẻ không biết bao nhiêu sản phụ, đón chào không biết bao nhiêu thiên thần nhỏ ra đời. Thế nhưng, trường hợp đỡ đẻ cho một sản phụ đẻ rớt trong đêm ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu hồi tháng 8 năm 2021 khiến cô nhớ mãi. Chậm rãi nhấp ngụm nước, cô Hà kể: “Hôm đó khoảng hơn 11h đêm, tôi đang ngủ thì nghe chuông điện thoại. Đầu máy bên kia là giọng hớt hải của một phụ nữ: 

- Cô có phải cô Hà bên trạm y tế không ạ?

- Dạ phải!

Chẳng kịp để tôi nói thêm, giọng người phụ nữ gấp gáp, lo lắng: 

- Cô ơi, cô giúp tôi với, con dâu tôi nó đẻ rớt rồi mà giờ có mình tôi, chồng nó đang 3 tại chỗ trong công ty. 

Nghe vậy, tôi liền bật dậy, vội vàng thay áo quần, mang theo đồ nghề, dắt xe chạy tìm phòng trọ của sản phụ theo địa chỉ được đọc trong cuộc gọi. Khi đến nơi, trong ánh đèn lờ mờ là hình ảnh một sản phụ bê bết máu, dưới chân là một bé trai chưa cắt dây rốn đang khóc oe oe.   

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hà.

Tôi nhanh chóng sát khuẩn dụng cụ, lấy kẹp kẹp và cắt dây rốn. Sau đó, lau người và quấn em bé vào chiếc khăn rồi lấy nhau ra khỏi người cho sản phụ. Hỏi ra mới biết sản phụ mới 19 tuổi, lần đầu mang thai, hôm đó ăn cơm xong thấy đau bụng cứ nghĩ là do rối loạn tiêu hóa, lại sợ lây COVID nên không dám đi khám, đến nửa đêm thì đau bụng dữ dội và em bé lọt ra. Vệ sinh 2 mẹ con xong, tôi tìm xe đưa sản phụ đến bệnh viện Đồng Nai để được siêu âm và theo dõi. 

Chuyện kiếm xe cũng không hề dễ dàng! Đó là những ngày cao điểm của đại dịch COVID-19, cả tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại hết sức hạn chế và phải có giấy đi đường có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Nửa đêm nhà trọ vắng hoe, không biết kiếm đâu ra xe để đưa mẹ con sản phụ đến bệnh viện. Sau một hồi gõ cửa những nhà cạnh đó, tôi nhờ được xe chở hàng của một anh hàng xóm. Lúc đầu, anh chủ xe cứ ngại vì sợ không có giấy đi đường sẽ không qua được chốt kiểm tra. Tuy nhiên, sau một hồi thuyết phục, anh đã đồng ý chở mẹ con sản phụ vào viện. Rất may, do trường hợp cấp cứu nên xe được qua chốt. Sau khi đưa 2 mẹ con nhập viện an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm ra về. Tới nhà cũng đã gần 3h sáng”.

Khi được hỏi về cảm giác của cô lúc đó như thế nào, cô Hà cười viên mãn: “Mặc dù hôm trước đi trực cả ngày rất mệt, nhưng hôm đó về tới nhà tôi cảm thấy phấn chấn lạ. Có lẽ đó chính là cảm giác hạnh phúc khi mình giúp được người khác.”

Thiên Thanh

Share with friends

Bài liên quan

Bộ Y tế thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản
Kịp thời cấp cứu cứu sống bệnh nhân đột quỵ nặng
Hết tê chân, đi lại dễ dàng chỉ sau 2 ngày phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Chuyện về những người “gác cổng” ngăn dịch bệnh
Hàng trăm người đến CDC Đồng Nai tiêm vắc xin ngừa dại trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Bệnh viện ĐK Thống Nhất trao giải Hội thi “Xanh – sạch – đẹp”
Các dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Số ca cấp cứu giảm, tai nạn giao thông tăng dịp nghỉ Tết Ất Tỵ 2025
Quyết tâm triển khai kỹ thuật cao để phục vụ người bệnh tốt hơn
[Infographics] Những lưu ý để giữ gìn sức khỏe ngày Tết
Cứu sống bệnh nhân ngưng tim 3 phút do nhồi máu cơ tim
Trao quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện ĐKKV Định Quán
Bệnh viện Da liễu tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động năm 2025
Phẫu thuật thành công ca sỏi bàng quang kích thước lớn hiếm gặp
Bổ nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Khai mạc triển lãm Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025
Cứu sống ngoạn mục bệnh nhân bị đa chấn thương do tai nạn giao thông
Ghi nhận thêm 1 trẻ tử vong do bệnh sởi, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh
Nhiều chương trình vui Tết cho viên chức, người lao động
TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN