Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là nơi tiếp nhận điều trị bệnh cho trẻ em. Với những trẻ lớn việc chăm sóc dễ dàng hơn do các trẻ đã nhận biết được, nói lên được tình trạng bệnh cũng như mong muốn của mình. Còn với những trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sơ sinh, các điều dưỡng luôn chăm sóc tỉ mỉ, theo dõi sát sao, được nâng niu từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, thuốc thang…
Theo dõi sát sao từng bệnh nhi
Gắn bó với nghề điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu khám bệnh – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã 11 năm, chị Triệu Thị Định tâm sự: “11 năm gắn bó với công việc chị đã trải qua nhiều thăng trầm, nhiều cung bậc cảm xúc cùng những kỷ niệm vui buồn. Đó là những lúc tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp, giữa ranh giới sự sống và cái chết, tôi cùng với cả ê kíp phối hợp với nhau, từng giây từng phút giành giật với tử thần để cứu lấy bệnh nhân. Niềm hạnh phúc vỡ oà khi các chỉ số dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân dần hồi phục, thoát khỏi cửa tử thần. Buồn khi đâu đó vẫn có ít trường hợp người nhà bệnh nhân còn có những hành động cư xử chưa đúng mực như chửi bới, hù doạ, thậm chí là có những tác động vật lý, ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên y tế, gây khó dễ trong công tác chăm sóc cũng như điều trị cho bệnh nhân”.
Chị Triệu Thị Định đo SPO2 cho một bệnh nhân nhập viện cấp cứu do sốc phản vệ.
Việc chăm sóc bệnh nhân, nhất là với bệnh nhân nhi lại có những đặc thù riêng, điều dưỡng phải luôn theo dõi toàn diện bệnh nhân để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trở nặng nhằm phối hợp với bác sĩ để điều trị tốt nhất. Điều này càng đặc biệt hơn vì ở lứa tuổi này các bé chưa biết nói và cũng chưa thể miêu tả chính xác các triệu chứng bệnh của mình nên quá trình thăm khám cũng như điều trị bệnh gặp không ít khó khăn. “Vì vậy bản thân cần có những kỹ năng quan sát, nhẫn nại, luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu và phải có tấm lòng yêu thương trẻ thì mới có thể trụ lại lâu với nghề. Ngoài chăm sóc trẻ ra thì mình cũng chú ý giao tiếp với bố mẹ bé, những người chăm sóc bé, giải thích tường tận để người nhà cùng thấu hiểu, cùng phối hợp để điều trị tốt nhất cho các cháu”,- chị Định cho biết.
Là người trực tiếp chăm sóc các bé, tiếp cận với những bệnh nhi có bệnh hiểm nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có khả năng chi trả, chị Định luôn đáu đáu trong lòng và suy nghĩ cần phải làm gì để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Rất may mắn đồng hành cùng tôi luôn có ban chủ nhiệm khoa, các khoa phòng, phòng công tác xã hội, Ban Giám đốc, các mạnh thường quân, có những quỹ vì người nghèo, nên khi gặp những trường hợp như vậy tôi sẽ thu thập thông tin báo cáo lên các khoa phòng để mong nhận được sự hỗ trợ tốt nhất cho các bé. Nhờ đó, các em luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời, đây cũng là nguồn động viên giúp các em mạnh mẽ, kiên cường vượt qua được nỗi đau bệnh tật”, - chị Định cho hay.
Nâng niu sự sống cho trẻ sinh non
Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là nơi tiếp nhận điều trị và chăm sóc cho những bé sinh non thiếu tháng nhẹ ký. 12 năm công tác tại đây, điều dưỡng Trần Thị Kim Tuyền có nhiều cảm xúc. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi cả ê kip vừa cấp cứu thành công cho một bé sinh non, thì gia đình nhất quyết xin chuyển viện vì không tin tưởng vào khả năng chữa trị của bệnh viện, trong khi đó bệnh tình em bé rất nặng, phải thở máy, người nhà xin đi với một thái độ rất bất cần. Lúc đó, cả ê kip vừa lo cứu chữa cho bé, lại vừa trấn an người nhà. Bé qua cơn nguy kịch, người nhà cũng đồng ý để bé lại điều trị. Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nghĩ: nếu bệnh bé trở nặng hơn, phải xử lý ra sao, người nhà sẽ phản ứng như thế nào?. Nên cần phải cân bằng tâm lý là việc phải làm đầu tiên của tôi và ê kip. Chúng tôi cần phải cẩn thận hơn, chuyên nghiệp hơn và vững vàng hơn để xử lý những tình huống này hợp tình hợp lý. Nỗ lực của cả ê kíp cũng được đền đáp, em bé có những dấu hiệu phục hồi. Khi đó, không những bệnh nhân, người nhà mà cả ê kíp cũng như được sống lại”,- chị Tuyền chia sẻ.
Điều dưỡng Trần Thị Kim Tuyền chăm sóc cho trẻ tại Khoa hồi sức tích cực sơ sinh.
Những điều dưỡng làm việc tại nơi đặc biệt như Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, tất cả mọi việc chăm sóc bé như: tắm, thay tã, vệ sinh, ăn uống, dùng thuốc…đều phụ thuộc vào điều dưỡng. Do quy định vô khuẩn nghiêm ngặt nên hầu như chỉ có nhân viên y tế được tiếp cận, chăm sóc trẻ, người nhà không được vào nơi trẻ nằm. “Đáng lẽ ở lứa tuổi này, các bé nằm trong vòng tay của mẹ, của gia đình nhưng tất cả công việc trên đều trong tay của người điều dưỡng. Ngoài công tác chuyên môn, mỗi lần gần bé để thay tả, chúng tôi cũng thầm thì động viên các bé cố lên để sớm về với gia đình và chào đón cuộc sống nhiều điều mới mẻ và tươi đẹp”- chị Tuyền nói.
Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh còn là nơi đón nhiều trường hợp bé sơ sinh bị bỏ rơi. “Không thể quên được trường hợp bé bị gia đình bỏ rơi khi vừa sinh ra, bé lại là trường hợp nhiễm HIV từ mẹ. Sau thời gian hồi phục, bé được một nhóm tình thương nhận về nuôi. Đến tận bây giờ, những hình ảnh trong đời sống của bé vẫn được nhóm cập nhật gửi về khoa. Đối với những bé bị bỏ rơi, khoa như ngôi nhà, tập thể nhân viên khoa như là người mẹ, người thân của các bé”- chị Tuyền kể lại.
Ngoài trách nhiệm của người điều dưỡng trong khoa, các điều dưỡng còn dành tình yêu thương của người mẹ để giúp các bé có thêm sức mạnh, vượt qua giai đoạn khó khăn đầu đời. Hạnh phúc nhất, vui nhất của các điều dưỡng là khi trẻ bình phục tốt, được xuất viện về nhà.
Mai Liên