Các bác sĩ Bệnh viện Đồng Nai 2 vừa phẫu thuật thành công bóc bướu sau phúc mạc nặng khoảng 1,6kg cho cụ ông Nguyễn Xuân Trường (75 tuổi, ngụ H. Vĩnh Cửu, Đồng Nai).
Trước đó, cụ ông thấy cơ thể có dấu hiệu mệt, hay sốt nhẹ, khó chịu nên đến Bệnh viện Đồng Nai 2 khám tổng quát. Bác sĩ cho cụ ông chụp phim CT có cản quang, phát hiện bướu sau phúc mạc rất lớn (kích thước 18x16x14cm).
Các bác sĩ khoa Ngoại tiết niệu đã tư vấn cụ ông nhập viện, đồng thời hội chuẩn với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bướu có khả năng phẫu thuật.
Ca phẫu thuật do BS.CKII Phan Trọng Hùng - Trưởng phân khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đồng Nai 2 trực tiếp phẫu thuật.
Quá trình mổ, bác sĩ đã mở đường dưới sườn phải qua phúc mạc và bóc trọn bướu. Sau 2 tiếng đồng hồ phẫu thuật, khối bướu được lấy ra nặng khoảng 1,6kg.
Bướu sau phúc mạc nặng khoảng 1,6kg được lấy ra khỏi cở thể cụ ông.
Một ngày sau phẫu thuật, cụ ông ổn định, vết mổ khô, dẫn lưu ra ít dịch hồng nhạt. Dự kiến cụ ông sẽ nằm viện theo dõi 7 ngày và chờ kết quả giải phẫu mô bệnh học để có hướng điều trị tiếp theo.
Theo BS Phan Trọng Hùng, bướu sau phúc mạc có lành và ác tính nhưng tỷ lệ ác tính chiếm 90%. Bướu sau phúc mạc gần như bệnh nhân không có triệu chứng mà phát triển âm thầm và bệnh nhân phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe tổng quát hoặc làm các xét nghiệm tầm soát.
Nghiên cứu cho thấy, 50% bướu sau phúc mạc khi phát hiện bướu có kích thước lớn hơn 20cm và khi bướu hơn 10cm thì hầu hết đã di căn.
Việc điều trị phẫu thuật là tiêu chuẩn chính quyết định khả năng sống còn của bệnh nhân. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào bản chất mô học của bướu để có thêm các phương pháp hỗ trợ như: xạ trị, hóa trị, hay kết hợp da mô thức.
Lần đầu tiên phẫu thuật tạo hình niệu đạo bị hẹp bằng niêm mạc má cho bệnh nhân
Các bác sĩ phân khoa Ngoại - Tiết niệu, Bệnh viện Đồng Nai 2 vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị hẹp niệu đạo bằng phương pháp tạo hình niệu đạo bằng niêm mạc má. Đây là trường hợp đầu tiên tại Đồng Nai được điều trị hẹp niệu đạo bằng phương pháp này.
Nam bệnh nhân L.V.Đ. (sinh năm 1966, xã Sông Trầu, H. Trảng Bom) vào viện vì tiểu khó, bí tiểu. Trước đó, bệnh nhân bị sỏi kẹt niệu đạo đã được gắp sỏi, sau 3-4 tháng bệnh nhân đi tiểu khó, tia tiểu nhỏ dần và sau đó bí tiểu.
Bệnh nhân tiếp tục đến một cơ sở y tế khác thăm khám và đã được thực hiện mở bàng quang ra da nhưng tình trạng không thuyên giảm.
BS Phan Trọng Hùng thăm khám cho bệnh nhân Đ. sau phẫu thuật.
Sau đó, bệnh nhân đến Phòng khám ngoại tiết niệu Bệnh viện Đồng Nai 2 thăm khám. Qua chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng và xuôi dòng, chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp niệu đạo trước khoảng 4cm.
Các bác sĩ đã tư vấn bệnh nhân sử dụng niêm mạc má để tạo hình niệu đạo. Niêm mạc má có cấu tạo mà tương thích nhất với cái niêm mạc của niệu đạo. Đây là giải pháp tối ưu nhất để điều trị cho bệnh nhân có đoạn hẹp dài như thế này.
Theo BS.CKII Phan Trọng Hùng - Trưởng phân khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đồng Nai 2, đây là một phẫu thuật khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Bác sĩ phẫu thuật phải có trình độ chuyên môn cao, nắm rõ quy trình kỹ thuật, vì dễ dẫn tới tái hẹp, nhiễm khuẩn và hư mãnh ghép.
Sau 4 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục, ăn uống bình thường. Bệnh nhân được đặt lưu thông tiểu trong 3 tuần, dự kiến có thể xuất viện sau vài ngày tới và tái khám, thay thông sau 1 tuần.
Hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới, có thể do nguyên nhân viêm nhiễm hoặc chấn thương đường tiết niệu. Nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phẫu thuật tạo hình niệu đạo tùy thuộc vào vị trí, chiều dài đoạn hẹp. Với trường hợp hẹp nhỏ hơn 2cm thì phẫu thuật cắt nối tận - tận, còn với đoạn hẹp lớn hơn 2cm việc nối tận - tận sẽ khó khăn làm ngắn niệu đạo. Do đó, phẫu thuật tạo hình bằng mảnh ghép sẽ được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân.
Sao Mai