Sau khi CDC Đồng Nai thông tin trường hợp một người dân ngụ tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom tử vong do bị chó nhà cắn, rất nhiều người dân đã tới Trung tâm y tế huyện Trảng Bom và các cơ sở tiêm ngừa để tiêm phòng dại do lo sợ mắc bệnh.
Theo ghi nhận tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom ngày 18-7, hàng chục người dân tại xã Sông Trầu đã tới đây để tiêm phòng bệnh dại.
Anh Mai Văn Tú (ngụ tại ấp 1, xã Sông Trầu, H Trảng Bom) đến tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại cho biết: “Hiện nay chó thả rông, chạy lang thang ngoài đường rất nhiều, khi xảy ra tình trạng người dân bị chó nhà cắn thì không gia đình nào đứng ra nhận. Chúng tôi rất lo lắng vì không chủ động phòng ngừa được, mong nhà nào nuôi chó mèo thì phải có biện pháp xích hoặc nuôi nhốt trong cũi chứ không nên thả rông và cần tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo. Tôi nghe thông tin sắp tới chính quyền sẽ tổ chức việc bắt chó thả rông, tôi mong việc này sẽ triển khai sớm để người dân bớt hoang mang”.

Người dân đến khám và tiêm ngừa dại tại CDC Đồng Nai sau khi bị chó cắn.
Bà Lê Thị Giàu (ngụ P. Quang Vinh, TP. Biên Hòa) cho hay, trong lúc đi ngang qua đường thì bị một con chó có chủ dắt theo lao vào cắn chảy máu, bà có hỏi chủ nuôi chó và được biết con chó đã được tiêm ngừa, tuy nhiên do lo sợ nên sau khi xử lý vết thương cô đã đến CDC Đồng Nai để tiêm ngừa vắc xin. Bác sĩ có dặn theo dõi con chó nhưng vì không biết nhà chủ hộ nuôi chó nên bà quyết định chích đủ các mũi theo khuyến cáo của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn.
Theo một nhân viên Trạm y tế xã Sông Trầu, hiện nay việc quản lý vật nuôi như chó mèo tại địa phương đang bị thả nổi mà không có biện pháp quản lý, việc tiêm phòng chủ động cũng thiếu sự quan tâm. Nhân viên này đề nghị cơ quan chức năng phải tuyên truyền tới người dân để khắc phục tình trạng hiện nay, nếu tuyên truyền không được thì phải có biện pháp xử lý.
Trước đó, thông tin từ CDC Đồng Nai cho hay, trên địa bàn vừa ghi nhận 1 ca tử vong do bị chó nhà cắn. Cụ thể, nạn nhân là anh T. V. P (36 tuổi, ngụ tại xã Sông Trầu, H.Trảng Bom). Gia đình anh P. nuôi con chó cỏ, nặng khoảng 4kg, nuôi thả rông và chưa tiêm vắc xin phòng dại cho con chó này.
Ngày 17-12-2022, con chó có biểu hiện hung hăng, cắn người nên gia đình đã xích lại. Hơn 10 ngày sau, con chó bị xổng xích và đã tấn công gia đình chủ gồm 2 vợ chồng, 2 con của anh P. Sau đó, gia đình anh P. cùng người dân xung quanh tìm bắt và tiêu hủy con chó trong ngày. Tuy nhiên, chỉ có vợ và 2 con anh P. tiêm phòng dại, còn anh P. thì chủ quan không đi tiêm phòng.
Khoảng 6 tháng sau, ngày 12-7, anh P. có các biểu hiện bệnh dại như chán ăn, nôn ói, đau cơ, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, tức ngực khó thở. Rạng sáng 13-7, gia đình đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất, được chẩn đoán bệnh dại thể não và chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM để theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 14/7, người nhà xin về và bệnh nhân tử vong cùng ngày.
Như vậy, đây là trường hợp thứ 2 của ổ dịch chó dại truyền bệnh cho người trên địa bàn xã Sông Trầu và là ổ dịch thứ 3 trên địa bàn huyện Trảng Bom tính từ đầu năm 2023 đến nay. Trước đó, ngày 10-3 trong lúc đang chăm sóc cho con chó Nhật khoảng 9 tháng tuổi thì chị P.T.A.T (21 tuổi, trú tại P. Quang Vinh, TP. Biên Hoà) là nhân viên phòng khám thú y Cao Thọ tại TT.Trảng Bom bị chó cắn vào ngón tay cái. Sau khi bị cắn con chó có biểu hiện lên cơn co giật, tự cắn lưỡi, chảy máu miệng nên được chị T. nhốt lại và báo người nhà đến mang về, đến tối cùng ngày thì con chó chết nên người nhà đã báo cơ quan chức năng. Chị T sau đó đã đi chích ngừa vắc xin phòng dại tại CDC tỉnh Đồng Nai nên đã không nguy hiểm đến tính mạng, hai trường hợp khác tại xã Sông Trầu cũng được chích ngừa vắc xin.
BS Đinh Thị Hợi, CDC Đồng Nai cho biết, trước tình trạng người dân bị chó mèo cắn nhất là sau khi có trường hợp tử vong, rất nhiều người dân đã đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm ngừa. BS Hợi khuyến cáo người dân khi bị chó mèo hoặc các loài động vật cắn, cào nhất là các vết cắn trúng ngay dây thần kinh như cổ, bộ phận sinh dục, đầu ngón tay…thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn tiêm vắc xin phòng dại, do bệnh dại là bệnh tổn thương cấp tính cả hệ thần kinh trung ương, người mắc bệnh thì nguy cơ tử vong 100% và hiện chưa có thuốc chữa. Với những người thường xuyên chăm sóc các loại động vật hoang dã, bác sĩ thú y cũng nên chích ngừa dự phòng ngay cả khi chưa bị phơi nhiễm với vi rút dại nhằm đảm bảo an toàn. Vắc xin ngừa dại hiện là các vắc xin thế hệ mới nên rất an toàn kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ dưới 1 tuổi, người mắc bệnh nền cũng đều có thể tiêm ngừa.
Hoàn Lê