Vừa qua, CDC Đồng Nai đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành Y tế về việc tăng cường giám sát sốt rét trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Theo đó, sốt rét là một căn bệnh đe dọa tính mạng, gây ra bởi ký sinh trùng được truyền sang người thông qua các vết đốt của muỗi Anophen bị nhiễm bệnh. Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (SR-KST-CT TƯ), năm 2023, toàn cầu có 249 triệu trường hợp mắc sốt rét ở 85 quốc gia, tăng 5 triệu trường hợp so với năm 2022. Tại Việt Nam, năm 2023 ghi nhận 448 ca mắc sốt rét.
Bệnh có liên quan chặt chẽ với môi trường và điều kiện kinh tế xã hội. Cũng theo thống kê của Viện SR-KST-CT TƯ toàn quốc có khoảng 7 triệu người dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành tại 1.030 xã, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới.
Diễu hành tuyên truyền phòng chống sốt rét tại huyện Vĩnh Cửu.
Để tăng cường phát hiện, kiểm soát nguồn lây nhiễm nhằm xử lý kịp thời tránh lây lan cho cộng đồng, đặc biệt dịp Tết khi người dân đi làm ăn từ các vùng có bệnh sốt rét lưu hành trở về địa phương. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị Y tế trên toàn tỉnh phối hợp thực hiện các nội dung phòng, chống bệnh sốt rét cụ thể như sau:
1. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư để kịp thời khám phát hiện và điều trị cho người dân;
2. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt rét cho người dân, khi có sốt cân đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Tăng cường giám sát và quản lý dân di biến động;
3. Điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 3377/QĐ-BYT, ngày 30/8/2023;
4. Báo cáo kịp thời các trường hợp bệnh trên phần mềm bệnh truyền nhiễm eCDS-MMS hoặc qua địa chỉ khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.
Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành Y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, các cơ quan báo đài cũng cần tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội để cùng chung tay đẩy lùi bệnh sốt rét, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hồ Hồng