Để tăng cường công tác quản lý hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc, hoá chất, vật tư y tế tiêu hao, công tác dược lâm sàng, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, thực hiện tốt Đề án “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và kết nối “cơ sở dữ liệu dược Quốc gia” của Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai yêu cầu Giám đốc các đơn vị trực thuộc triển khai những nhiệm vụ sau:
Xây dựng danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao…sử dụng tại đơn vị phải căn cứ mô hình bệnh tật, chỉ tiêu kế hoạch, danh mục kỹ thuật, chi phí về thuốc điều trị của đơn vị, danh mục thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế… để xây dựng danh mục, số lượng từng mặt hàng sát với thực tế sử dụng, đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch tại đơn vị. Ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước cùng chủng loại, chất lượng tương đương và giá không cao hơn thuốc ngoại nhập.
Hội đồng thuốc và điều trị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc, hoá chất, vật tư y tế tiêu hao trong điều trị; xây dựng danh mục thuốc sử dụng trong bệnh viện; xây dựng và thực hiện các hướng dẫn trong điều trị; xác định và phân tích các vấn đề liên quan tới sử dụng thuốc; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và các sai sót trong điều trị; thông báo, kiểm soát thông tin về thuốc. Tăng cường công tác bình bệnh án, bình đơn thuốc; giám sát chặt chẽ việc kê đơn thuốc theo tên biệt dược, tên thương mại và thuốc có giá trị cao, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kê đơn không hợp lý. Ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước tăng 3-4 % mỗi năm. Đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, giảm chi phí tiền thuốc trong thanh toán viện phí.

Nhân viên y tế Bệnh viện ĐKKV Long Khánh kiểm tra thuốc tại đơn vị.
Tăng cường tiếp nhận, tuyển dụng dược sỹ đại học, cử cán bộ có năng lực đi thực hành chuyên môn dược lâm sàng tại các cơ sở phù hợp theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 131/2020/NĐ-CP đảm bảo đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề dược lâm sàng để phụ trách công tác dược lâm sàng tại đơn vị; cử cán bộ học chuyên khoa dược lâm sàng và tham gia bồi dưỡng về dược lâm sàng đảm bảo đủ nhân lực để triển khai thực hiện công tác dược lâm sàng tại đơn vị. Đảm bảo việc tham gia đào tạo liên tục, cập nhật kiến thực chuyên môn về dược lâm sàng cho người phụ trách công tác dược lâm sàng và người làm công tác dược lâm sàng. Tổ chức hoạt động dược lâm sàng tại đơn vị theo đúng lộ trình quy định tại Điều 17 của Nghị định số 131/2020/NĐ-CP; Chỉ đạo khoa dược/bộ phận dược: khi có kết quả trúng thầu, mua thuốc mới và định kỳ rà soát toàn bộ danh mục thuốc trong đơn vị (kể cả thuốc trong nhà thuốc/quầy thuốc) xây dựng danh mục, hình ảnh và biện pháp chống nhầm lẫn trong việc kiểm nhận, sắp xếp bảo quản, cấp phát, kê đơn, sao bệnh án, sao đơn thuốc, cấp phát và sử dụng cho bệnh nhân các thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau (còn gọi là thuốc LASA -Look Alike, Sound Alika) thường có nguy cơ gây nhầm lẫn trong sử dụng. Thông tin danh mục LASA và biện pháp chống nhầm lẫn tới từng khoa phòng và toàn bộ nhân viên trong đơn vị, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Đẩy mạnh hoạt động của Tổ thông tin thuốc tại bệnh viện, cập nhật và thông báo các văn bản mới, qui định mới, thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” thông tin cho các đối tượng là bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, người bệnh và thân nhân người bệnh.
Các bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế đa chức năng và bệnh viện nhi đồng trực thuộc Sở Y tế phải tổ chức bán lẻ thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần cho bệnh nhân điều trị ngoại trú theo quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư số 18/2018/TT-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT.
Các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế) trong khuôn viên các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện đúng quy định tại Điều 136 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Điều 5, Nghị định 155/2018/NĐ-CP; duy trì thực hiện GPP, kết nối và chuyển dữ liệu liên thông “cơ sở dữ liệu dược Quốc gia”, niêm yết công khai giá thuốc và bán không cao hơn gia niêm yết theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Triển khai thực hiện tốt công tác thống kê báo cáo, kiểm nhập, bảo quản, cấp phát. Khi kiểm nhận cần tiến hành đối chiếu giữa hóa đơn với thực tế về các chi tiết của từng mặt hàng như: tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, tên hóa chất, chất lượng cảm quan, đơn vị tính, quy cách đóng gói, số lượng, số lô, đơn giá, hạn dùng, hãng sản xuất, nước sản xuất; kiểm tra điều kiện bảo quản theo yêu cầu trên nhãn hàng hóa. Thường xuyên kiểm tra chất lượng thuốc từ khâu kiểm nhận, bảo quản, vận chuyến, cấp phát và sử dụng; tiến hành tiêu hủy những thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn dùng theo quy định; đảm bảo cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng tới tay người bệnh; thực hiện đúng các quy định về thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị duy trì thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP tại kho thuốc, vắc xin của đơn vị; tăng cường phương tiện làm việc, nhân lực, cải tiến quy trình rút ngắn thời gian cấp phát thuốc bảo hiểm y tế.
Thanh Tú