Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đảm bảo vệ sinh ATTP tỉnh đối với các sở, ban, ngành liên quan tại Hội nghị triển khai tháng hành động An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Đồng Nai năm 2024 được tổ chức chiều ngày 15-4.
Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Đó là chủ đề tháng hành động vì ATTP triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn tỉnh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an ninh ATTP, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về ATTP. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Trong năm 2023, toàn tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm hơn 16 ngàn lượt cơ sở, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 510 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 4,6 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra, khởi tố 01 vụ với 02 bị can. Tịch thu, tiêu hủy hơn 51 nghìn kg sản phẩm động vật vi phạm, 14.167 sản phẩm hàng hoá (trị giá ước tính 404 triệu đồng); xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 01 người mắc.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ThS Võ Thị Ngọc Lắm, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo đảm bảo vệ sinh ATTP tỉnh cho biết: Thời gian qua công tác ATTP trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm được tăng lên qua từng năm, các cấp chính quyền quan tâm và ưu tiên hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, các cơ quan nhà nước tích cực, chủ động hơn trong các hoạt động bảo đảm ATTP, vấn đề xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn được xây dựng có kết quả tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được thì vấn đề ATTP vẫn còn gặp nhiều thách thức. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 19 ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố cũng đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo đảm ATTP, trong đó thách thức lớn nhất là ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đặc biệt với một tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Với mục đích cuối cùng là mỗi người dân đều có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn. Tại Hội nghị ThS Võ Thị Ngọc Lắm, đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Y tế triển khai các hoạt động đảm bảo ATVSTP trong tháng “Thành động vì ATTP”, nhất là trong công tác truyền thông, giáo dục và thanh tra, kiểm tra về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, sản phẩm vi phạm quy định ATTP. Công khai các tổ chức cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Gần 32% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, đây là con số không nhỏ. Do vậy, các sở, ngành, địa phương phải lưu ý vấn đề này nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh giao Sở Y tế thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, tổ chức về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề nghị Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo điều tra, đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm theo quy định.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Ông Trần Đình Minh, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, trong kế hoạch triển khai tháng hành động ATVSTP, UBND tỉnh giao cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 11 huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
Khi tổ chức các đoàn kiểm tra đảm bảo về thành phần cơ quan chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các cơ sở vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Thanh Tú