Trong thời gian qua, công tác truyền thông y tế đã thể hiện vai trò quan trọng góp phần vào những kết quả phòng chống dịch bệnh của ngành y tế, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để tự bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Song, công tác truyền thông y tế còn nhiều trăn trở, cần được quan tâm hơn nữa.
Truyền thông y tế góp phần nâng cao sức khỏe người dân
Với mạng lưới truyền thông y tế phủ kín từ tuyến tỉnh, huyện, xã, ấp, khu vực đã tạo điều kiện cho ngành y tế thực hiện các hoạt động truyền thông rộng khắp và bám sát các hoạt động trọng tâm của ngành trên các lĩnh vực trong thời gian qua.
BS.CKI Nguyễn An Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết: “Công tác truyền thông của ngành y tế luôn được quan tâm thực hiện một cách chủ động, ngày càng đa dạng về hình thức, nội dung có chiều sâu. Trước hết đó là đa dạng về mặt hình thức như qua các kênh truyền thông đại chúng báo, đài địa phương. Hằng năm, CDC Đồng Nai ký kết các chương trình phát sóng với kinh phí hơn 1 tỉ đồng để tổ chức các chuyên mục “Sức khoẻ cho mọi nhà” của Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai, Trang y tế trên báo Đồng Nai… Ngoài ra, Trung tâm y tế các địa phương còn phối hợp với Trung tâm văn hoá huyện, thành phố tuyên truyền qua mạng lưới loa đài về tận thôn, ấp, phường, xã đặc biệt là những xã vùng sâu vùng xa. Vào những đợt cao điểm như phòng chống Sốt xuất huyết, các ngày theo chủ đề sức khoẻ hàng năm, ngành y tế phối hợp với các bên liên quan tổ chức phát tờ rơi, treo băng rôn, lớp truyền thông, nói chuyện chuyên đề, vãng gia đến tận người dân. Hầu như cơ sở y tế nào cũng có những góc truyền thông, loa, ti vi phát các chương trình về sức khoẻ để người dân tiếp cận những kiến thức đúng, đủ. Hay những đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh, cộng tác viên y tế thôn ấp - “những cánh tay nối dài” của ngành y tế còn đến tận nhà người dân để tuyên truyền. Tại Đồng Nai, mạng lưới nhân viên y tế thôn ấp với hơn 1000 người đang làm nhiệm vụ này”.
![](/UserFiles/Images/2024/Thang%201/C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn%20y%20t%E1%BA%BF%20ph%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Tr%E1%BA%A3ng%20D%C3%A0i%20ph%C3%A1t%20t%E1%BB%9D%20r%C6%A1i%20tuy%C3%AAn%20truy%E1%BB%81n%20t%E1%BA%ADn%20nh%C3%A0%20d%C3%A2n%20web.jpg)
Cộng tác viên y tế thôn ấp đến từng hộ gia đình phát tờ rơi tuyên truyền phòng bệnh cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng phối hợp với các ban ngành khác như trường học để tổ chức nhiều lớp truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, Mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh.
Phải khẳng định rằng, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đã góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh, giúp mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nhất là khi dịch bệnh xảy ra. Bà Nguyễn Thuý Hằng, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa chia sẻ: “Vừa qua, tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa xuất hiện mấy ổ dại trên chó, tôi và gia đình được các cô y tế thôn ấp đến tận nhà tuyên truyền về bệnh Dại như khi bị chó mèo cắn thì phải đi tiêm phòng để tránh hậu quả về sau. Ngoài ra, loa đài, ti vi cũng thường xuyên nói đến khi có dịch bệnh phức tạp, giúp chúng tôi chủ động phòng tránh”.
Hiệu quả lớn nhất mà công tác truyền thông đã mang lại được thể hiện qua các dịch bệnh tuy diễn biến phức tạp nhưng kiểm soát được. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4.791 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 79,83% so với cùng kỳ 2022 (23.748 ca), trong đó có 5 ca tử vong, giảm 14 ca so với cùng kỳ 2022. Số ca mắc COVID-19 giảm rõ rệt; các dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ ghi nhận 2 ca (TP.Biên Hoà) mức rất thấp so với các tỉnh có dịch trong khu vực Phía Nam.
Những điều còn trăn trở
Mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khoẻ từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, chủ động thực hiện tốt truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh..., góp vào kết quả chung của ngành y tế. Song vẫn còn những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ cần được quan tâm tháo gỡ.
Ông Trần Bằng - Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe, CDC Đồng Nai, chia sẻ: “Kinh phí thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe vẫn còn khó khăn, nhất là tuyến cơ sở; nhân lực thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động; cán bộ làm công tác truyền thông hiện trăn trở khi phụ cấp ưu đãi nghề còn hạn chế, nhất là liên quan đến Nghị định 05 của Chính phủ thì nhân viên y tế làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe không phải là đối tượng được hưởng phụ cấp, nhưng trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, cán bộ truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở luôn là lực lượng tiên phong tuyên truyền phòng, chống dịch trên tất cả mặt trận, nhất là đi vào vùng tâm dịch”.
![](/UserFiles/Images/2024/Thang 1/truyền thông HIV cho học sinh web.jpg)
Một buổi truyền thông trực tiếp cho học sinh về phòng chống HIV/AIDS do CDC Đồng Nai tổ chức.
Bên cạnh đó, việc người dân vẫn chưa mặn mà quan tâm đến sức khỏe cũng là nguyên nhân làm tăng các dịch bệnh trong cộng đồng. “Chỉ có khi nào bệnh vào nhà mình, hoặc những đợt cao điểm có sự vào cuộc của chính quyền, người dân mới có ý thức như dọn dẹp môi trường sống xung quanh mình. Hầu như ai cũng có kiến thức nhưng để thay đổi hành vi là một quá trình kéo dài. Chúng tôi cần sự phối hợp và chung tay của mỗi người dân”, - chị Nguyễn Thị Hường, nhân viên Trạm y tế xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn An Linh khẳng định: “Dù còn những khó khăn, trăn trở, nhưng công tác truyền thông vẫn luôn chủ động, duy trì và theo những diễn biến của dịch bệnh. Truyền thông y tế cần được quan tâm nhiều hơn nữa bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh hay tư vấn chăm sóc sức khỏe mà truyền thông y tế còn góp phần đưa chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế đến với người dân và củng cố niềm tin của người dân đối với những chính sách đó”.
Mai Liên