Ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào khám, điều trị và quản lý điều hành đang mở ra bước chuyển mới trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhiều cơ sở y tế đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, chẩn đoán hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống xét nghiệm hiện đại, các phần mềm phòng bệnh … Đây không chỉ là xu thế tất yếu, còn thể hiện nỗ lực không ngừng của các đơn vị trong việc bắt kịp thành tựu khoa học công nghệ, để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Bài 1: Đưa kỹ thuật tiên tiến về gần dân

Không còn phải vượt hàng chục, trăm cây số lên bệnh viện tuyến tỉnh hay TP. Hồ Chí Minh để điều trị những ca bệnh phức tạp, nay người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh được tiếp cận các kỹ thuật y tế tiên tiến ngay tại tuyến huyện, tỉnh. Nhờ đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư thiết bị, các bệnh viện và trung tâm y tế đang từng bước “kéo” các dịch vụ chất lượng cao về gần dân, vừa nâng cao hiệu quả điều trị, vừa giảm tải cho tuyến trên.

Bệnh viện tuyến tỉnh từng bước khẳng định vị thế

Với sự phát triển không ngừng, từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, Bệnh viện ĐK Thống Nhất và Đồng Nai đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch trước đây buộc phải chuyển viện, nay đã được điều trị thành công tại chỗ.

Có thể kể đến kỹ thuật thay huyết tương được triển khai tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất đã cứu sống bệnh nhân L.T.T. (70 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, H. Tân Phú) mắc hội chứng Guillain-Barré thể N2 – một dạng viêm đa dây thần kinh cấp tính hiếm gặp, nguy hiểm.

Bệnh nhân nhập viện ngày 22-2 trong tình trạng yếu liệt tứ chi tiến triển nhanh, rối loạn nuốt. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Guillain-Barré N2, kèm tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não, rối loạn chuyển hóa lipid và rối loạn giấc ngủ.

Hội chứng Guillain-Barré là hội chứng rối loạn thần kinh tự miễn hiếm gặp, tiến triển nhanh, gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi, có thể dẫn đến suy nhược, liệt cơ thể nếu không được điều trị kịp thời.

BS.CKI Nguyễn Đình Thái – Trưởng khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết, đây là ca bệnh nguy hiểm, bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp cao. Chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực chống độc triển khai phương án thay huyết tương khẩn cấp để cứu sống người bệnh”.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc bệnh viện, khoa Huyết học - Truyền máu đã phối hợp chặt chẽ với khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh tiến hành thay huyết tương liên tục trong 5 ngày. Mỗi ngày, bệnh nhân được truyền 20 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh – một phương pháp điều trị giúp loại bỏ kháng thể tấn công hệ thần kinh, ngăn chặn tình trạng liệt tiến triển.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt, có thể cử động tay chân, chức năng nuốt được cải thiện, giao tiếp tốt hơn. Chia sẻ về quá trình điều trị, bệnh nhân T. xúc động nói: “Ban đầu tôi chỉ cảm thấy tê chân, sau đó nhanh chóng không đi được. Nhờ sự tận tình của các bác sĩ, giờ tôi đã hồi phục khoảng 90%, tôi biết ơn đội ngũ y, bác sĩ”.

 Bác sĩ Nguyễn Đình Thái thăm khám cho bệnh nhân L.T.T. mắc hội chứng Guillain-Barré thể N2 sau khi thay huyết tương.

Theo bác sĩ Thái, thay huyết tương là quá trình thay thế lượng huyết tương trong cơ thể người bệnh bằng lượng tương đương từ nguồn huyết tương khác. Thông qua hệ thống máy lọc, máu sẽ được dẫn ra ngoài để loại bỏ huyết tương cũ thay thế bằng dung dịch albumin hoặc huyết tương mới, với mục đích loại bỏ các kháng thể gây bệnh. 

“Trước đây, những ca bệnh như thế này bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên. Giờ đây, bệnh viện đã hoàn toàn làm có thể tự thay huyết tương. Đặc biệt, đây là ca đầu tiên mắc hội chứng Guillain-Barré thể N2 được điều trị thành công tại bệnh viện” – BS Thái nhấn mạnh.

Theo BS.CKII Nguyễn Tường Quang – Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất, không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, từ đầu năm 2025, bệnh viện tiếp tục triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới trong các lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, ngoại niệu, răng hàm mặt... nhằm nâng cao chất lượng điều trị và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai, bên cạnh việc triển khai kỹ thuật ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) kịp thời cứu sống một bệnh nhân nam 46 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim, tiên lượng tử vong trên 90% vào tháng 5-2026, mới đây, vào cuối tháng 6, bệnh viện tiếp tục ghi dấu ấn khi đồng thời áp dụng thành công 4 kỹ thuật mới trong phẫu thuật thay gốc động mạch chủ có bảo tồn van cho một nữ bệnh nhân bị phình gốc động mạch chủ.

Theo đó, bệnh nhân H.T.L. (ngụ xã Xuân Hòa, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng chóng mặt, đau ngực. Qua thăm khám lâm sàng kết hợp siêu âm tim và chụp CT có tiêm thuốc cản quang, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hở van động mạch chủ nặng và phình gốc động mạch chủ với kích thước lên đến khoảng 80mm. Hở van động mạch chủ nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim, trong khi phình gốc động mạch chủ với kích thước lớn như vậy tiềm ẩn nguy cơ vỡ rất cao, có thể gây đột tử.

TS.BS Võ Tuấn Anh – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch – Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, sau khi hội chẩn hội đồng mổ tim của bệnh viện và ê kíp phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật thay gốc động mạch chủ bảo tồn van cho bệnh nhân. 

Do gốc động mạch chủ là cấu trúc rất phức tạp, là khớp nối giữa cái mạch máu lớn nhất cơ thể và trái tim. Đồng thời là chỗ xuất phát của 2 động mạch vành, 2 động mạch vành này nuôi toàn bộ trái tim, độ phức tạp khá lớn vì nó liên quan tất cả buồng tim. Theo đó, các bác sĩ đã áp dụng cùng lúc 4 kỹ thuật gồm: hạ thân nhiệt sâu và ngưng tuần hoàn (để ngưng hệ thống tim phối phổi nhân tạo, để hạ thân nhiệt của bệnh nhân xuống 20 độ và ngưng toàn bộ tuần hoàn chảy trong cơ thể); tưới máu não ngược dòng (giúp bảo vệ não); truyền máu hoàn hồi (nhằm tránh chảy máu và tiết kiệm máu) và kỹ thuật thay gốc động mạch chủ có bảo tồn van.

Trong 6 giờ đồng hồ, ê kíp bác sĩ đã phẫu thuật thay gốc động mạch chủ bảo tồn van cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật bệnh đã rút được ống nội khí quản, đến ngày thứ 6 bệnh nhân có thể di chuyển đi lại bình thường, ăn uống tốt, nếu tình trạng bệnh nhân ổn có thể xuất viện trong vài ngày nữa. 

“Bệnh nhân thay gốc động mạch chủ bảo tồn van, thì chất lượng cuộc sống sẽ khác hơn so với bệnh nhân phải thay van cơ học. Vì van cơ học do sử dụng thuốc kháng đông sẽ gây ra nguy cơ chảy máu, hoặc không đủ gây ra nguy cơ kẹt van, nếu nhiều quá sẽ dẫn đến nguy cơ xuất huyết não, ngoài ra có thể dẫn tới dị tật thai nhi” – TS.BS Tuấn Anh chia sẻ. 

Thay gốc động mạch chủ có bảo tồn van là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong phẫu thuật tim. Để thực hiện thành công ca mổ này, ngoài sự hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp của bệnh viện đã phải đồng thời triển khai 4 kỹ thuật này. Bên cạnh đó, ca phẫu thuật đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa nhiều ê kíp như: chạy máy, tuần hoàn ngoài cơ thể gây mê, phẫu thuật viên và ê kíp hồi sức.

Theo BS. CKII Đặng Hà Hữu Phước - Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai, để triển khai các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp trong điều trị, bệnh viện phải đảm bảo đồng bộ về trang thiết bị, máy móc và nguồn nhân lực. Trong đó, yếu tố con người – đặc biệt là trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ – đóng vai trò then chốt. Theo bác sĩ Phước, các y, bác sĩ phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ chuyên môn và trải qua quá trình thực hành thực tế tại các bệnh viện tuyến trên thì mới có thể đủ năng lực thực hiện các kỹ thuật cao tại địa phương.

Đối với những ca bệnh phức tạp, cần có sự phối hợp và hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia tuyến trên để đảm bảo an toàn cho người bệnh, đồng thời giúp đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện tuyến dưới tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.

“Bệnh viện luôn tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sĩ được học tập, thực tế tại các bệnh viện tuyến trên, nhằm tiếp cận những kỹ thuật mới, chuyên sâu. Qua đó, rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa bệnh viện và các bệnh viện đầu ngành, giúp người dân trong tỉnh được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Khi bệnh viện làm chủ được một kỹ thuật mũi nhọn, điều này sẽ kéo theo sự phát triển đồng bộ của các chuyên khoa liên quan, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của bệnh viện trong hệ thống y tế” – bác sĩ Phước nhấn mạnh.

Trong những năm qua, bệnh viện đã triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật cao, nhờ đó chất lượng điều trị cho người bệnh được nâng cao. Dự kiến trong năm 2025, bệnh viện sẽ triển khai kỹ thuật ghép thận để điều trị bệnh lý thận mạn tính – một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực điều trị chuyên sâu. Song song đó, bệnh viện đang từng bước xây dựng và phát triển các Trung tâm chuyên sâu như Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Ung bướu, với mục tiêu mang đến các dịch vụ y tế hiện đại, chất lượng cao phục vụ người dân trên địa bàn và khu vực lân cận.

Tuyến dưới làm chủ, người dân hưởng lợi

Những năm gần đây, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh là một trong những đơn vị tuyến dưới tích cực chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật mới vào công tác khám chữa bệnh để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.  

Ngoài việc thực hiện được các phẫu thuật can thiệp tim mạch, phẫu thuật vi phẫu, nối liền mạch máu, nối thần kinh, nối chi đứt lìa, phẫu thuật cắt u đại tràng trong những trường hợp ung thư, lọc màng bụng. Đầu năm 2025, bệnh viện đã thành lập đơn vị Ngoại thần kinh – cột sống để phát triển chuyên sâu hơn lĩnh vực này. Kể từ khi triển khai, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân đến khám. Qua đó, giúp nhiều bệnh nhân bị tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt thoát khỏi nguy cơ bị liệt do gãy cột sống.

Bệnh nhân nam T.K.G. (40 tuổi, ngụ phường Xuân Bình, TP. Long Khánh) bị tai nạn giao thông, dẫn đến chấn thương gãy cột sống. Anh đã được các bác sĩ tại bệnh viện phẫu thuật kịp thời và thành công.

Sau ca mổ, với sự hỗ trợ của người thân anh G. đã có thể ngồi dậy và tập đi lại. Chia sẻ trong niềm vui phục hồi, anh xúc động nói: “Sau mổ thoát được cảnh bị liệt là tôi mừng rồi. Vì nếu gãy cột sống mà không điều trị kịp thời thì thời gian hồi phục rất lâu, có khi kéo dài tới cả năm.”

Bác sĩ Nguyễn Văn Phong - Phó trưởng khoa Ngoại tổng quát, quản lý đơn vị Ngoại thần kinh – cột sống, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cho hay, ngoài các ca chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, đơn vị đang không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để triển khai các kỹ thuật can thiệp tối thiểu. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật như bơm xi măng sinh học, mổ nội soi lấy nhân đệm… nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn, giảm đau, rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân” - bác sĩ Phong chia sẻ.

Bác sĩ đơn vị Ngoại thần kinh – cột sống Bệnh viện ĐKKV Long Khánh thăm hỏi bệnh nhân sau phẫu thuật cột sống.

BS.CKII Phan Văn Ở – Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cho biết, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý về Ngoại thần kinh – cột sống tại địa phương hiện khá đông. Trước đây, những trường hợp này thường phải chuyển tuyến lên Bệnh viện ĐK Đồng Nai, ĐK Thống Nhất hoặc các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Nay, với việc triển khai kỹ thuật điều trị ngay tại bệnh viện, người bệnh không còn phải đi xa, từ đó giảm được thời gian, chi phí và áp lực tâm lý.

“Để triển khai hiệu quả các kỹ thuật chuyên sâu, bệnh viện đã cử đội ngũ y, bác sĩ đến đào tạo tại các cơ sở tuyến trên như Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, chúng tôi cũng mời các chuyên gia đầu ngành trực tiếp về khám và hỗ trợ phẫu thuật đối với những ca nặng, phức tạp” - bác sĩ Ở chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú và gần 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Việc triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới đã giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, giảm thiểu tình trạng chuyển tuyến, từ đó tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh.

Hiện nay, các Trung tâm Y tế H. Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu đã triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực ngoại khoa, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tại địa phương.

Hà Hằng – Hoàn Lê – Sao Mai

* Bài 2: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao sức khỏe và quản lý y tế

Share with friends

Bài liên quan

Bài 2: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao sức khỏe và quản lý y tế
Đồng Nai tăng cường giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2025
Đồng Nai có 18 cá nhân được phong tặng Thầy thuốc ưu tú
Bài 3: Gặt hái “Quả ngọt”…
Bài 2: Hiệu quả thấy rõ từ can thiệp tim mạch
Đồng Nai ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Sở Y tế
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất: Gieo kỹ thuật cao, gặt “quả ngọt”
Áp dụng cùng lúc 4 kỹ thuật mới phẫu thuật cho bệnh nhân bị phình gốc động mạch chủ
Bài 2: Kiosk y tế thông minh: Thêm tiện ích, bớt thủ tục
Ngành Y tế Đồng Nai tuyên dương 256 học sinh "Học giỏi, sống tốt"
Nghị quyết 57-NQ/TW: Bước chuyển mình của ngành Y tế
Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1/7: Nỗ lực hướng đến bảo hiểm y tế toàn dân
Kết thúc hoạt động Công đoàn ngành Y tế tỉnh Đồng Nai
Dự án VUSTA sơ kết hoạt động phòng chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm
Tăng cường truyền thông và hoạt động hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam
[Video] Ra mắt hệ thống điều phối dữ liệu y tế tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai: Tăng cường tuyên truyền, siết chặt quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm những tháng cuối năm 2025
Chi hội Điều dưỡng BVĐK Đồng Nai: Xây dựng đội ngũ điều dưỡng hiện đại, lấy người bệnh làm trung tâm
Đảng bộ Sở Y tế phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân
Cảnh báo nguy cơ với sức khỏe khi dùng dầu ăn chế biến thức ăn chăn nuôi cho người

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN