Răng miệng là môi trường có nhiều vi khuẩn có lợi tham gia chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên răng miệng cũng là nơi có các vi khuẩn có hại gây ra nhiều bệnh liên quan đến sức khỏe toàn thân.
Khi sức đề kháng của cơ thể tốt và được chăm sóc sức khỏe răng miệng toàn diện hàng ngày như chải răng, dùng chỉ tơ nha khoa, súc miệng bằng các loại nước sát khuẩn thì vi khuẩn sẽ được kiểm soát.
Khi không được chăm sóc răng miệng, các vi khuẩn sẽ tăng cường hoạt động dẫn đến các bệnh về răng miệng và một số bệnh khác.
Vì sao miệng lại có nhiều loại vi khuẩn?
Miệng của chúng ta, hay những gì các nhà khoa học gọi là hệ vi sinh vật miệng, là một cộng đồng phức tạp với nhiều giao tiếp giữa các vi khuẩn cùng loài cũng như giữa các loài. Khi răng của chúng ta cảm thấy không sạch và cần vệ sinh thì nghĩa là chúng ta đang cảm nhận được sự hiện diện của chúng.
Ước tính, trong miệng chúng ta có khoảng 300 loài vi khuẩn, bao gồm Lactobacillus (gây sâu răng), Fusospirochete (gây ra các bệnh về nướu). Trong đó, một số loại vi khuẩn như Srteptococci hầu như vô hại với răng, nhưng lại gây ra khá nhiều bệnh nghiêm trọng về nướu.
Bên cạnh những vi khuẩn có hại thì trong khoang miệng cũng có vô vàn vi khuẩn vô hại, thậm chí còn có lợi khi góp phần kiểm soát những vi khuẩn gây hại cho cơ thể. Mặc dù có cả vi khuẩn hại và lợi trong miệng, nhưng tốt nhất vẫn nên duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày, có như vậy mới đảm bảo một hàm răng chắc khỏe và đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe .
Vậy, vì sao miệng lại là nơi vi khuẩn rất thích ở, trên thực tế cũng thấy rằng, vi khuẩn miệng cũng phát triển mạnh bên trong má và trên lưỡi, vòm họng, amidan và nướu răng của chúng ta. Miệng là một môi trường sống tuyệt vời cho các vi sinh vật đơn bào. Bởi miệng chúng ta thường xuyên ẩm, có độ pH khá trung tính và nhiệt độ dễ chịu.
Nhưng bất chấp môi trường hoàn hảo này, không phải tất cả vi trùng trong miệng đều ở lại. Mà có những loại vi khuẩn ở miệng có thể liên quan đến các bệnh hoặc tình trạng ở các bộ phận khác của cơ thể.
Khi chúng ta ăn, uống nhai nuốt thức ăn thì nhiều vi khuẩn cũng sẽ đi vào ruột, nhưng máu cũng là một hình thức vận chuyển thuận tiện. Mỗi khi nhai, chải hoặc dùng chỉ nha khoa, những vi trùng này sẽ bị đẩy vào các mạch nhỏ trong nướu. Lý giải điều này các nhà khoa học cho rằng răng được cấu tạo từ cấu trúc tế bào giống như xương .
Tuy nhiên, chúng rất độc đáo ở chỗ chúng là thành phần duy nhất của cơ thể xuyên qua da với xương ở gốc. Nên khi tổn thương vi khuẩn rất có thể đã đi vào máu. Ngay cả viêm nhiễm khoang miệng, răng, nướu … thì hệ thống bảo vệ sẽ phá vỡ.
Khi vi khuẩn đường miệng xâm nhập vào máu, nó có thể di chuyển đến các cơ quan khắp cơ thể, bao gồm cả não. Vì thế miệng khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ ngăn không cho bộ xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng.
Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn nó nhưng vệ sinh răng miệng đúng cách và khoa học thì lượng vi khuẩn có thể xâm nhập có hại sẽ giảm.
Khi vi khuẩn miệng gây bệnh có đáng lo?
Hai loại vi khuẩn gây hại phổ biến nhất trong khoang miệng là Streptococcus mutans và Porphyromonas gingivalis.
Streptococcus mutans sống ở khoang miệng và hấp thụ các loại đường có trong thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày. Loại vi khuẩn này thực hiện lên men carbohydrate và tạo ra axit, khiến độ pH trong miệng hạ xuống. pH<5 liên tục sẽ khử khoáng của răng, lớp vôi cứng của bề mặt răng bị tổn hại và khởi phát quá trình sâu răng.
Porphyromonas gingivalis (Pg) thường không tồn tại sẵn trong khoang miệng của người khỏe mạnh. Nhưng khi nó sinh sôi, vi khuẩn này sẽ liên kết với nha chu, gây viêm nha chu, đau răng và có thể dẫn đến mất răng. Ngoài ra, Porphyromonas gingivalis cũng được chứng minh là một trong những tác nhân gây ra ung thư, Alzheimer ở người.
Tùy thuộc vào vị trí trong cơ thể mà nó quyết định đi đến, Pg có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi ,viêm khớp dạng thấp, bệnh tim, viêm gan, ung thư thực quản.
Các nhà nghiên cứu hiện biết rằng nó có thể vượt qua hàng rào máu não, một mạng lưới các tế bào dày đặc bảo vệ não khỏi các chất độc hại. Khi đó, Pg có thể gây ra những thay đổi bệnh lý.
Các nhà nghiên cứu khác đã quan sát Pg trong não của những người đã qua đời mắc bệnh Alzheimer. Nhưng điều thực sự đáng ngạc nhiên là việc tìm thấy các protein chính Pg, được gọi là gingipains, trong não ở mức độ cao hơn nhiều so với những người khỏe mạnh về tinh thần ở cùng độ tuổi.
Và khi những con chuột bị nhiễm Pg bằng miệng, dấu vân tay DNA tương tự đã được phát hiện trong não của chúng, cũng như những thay đổi thường thấy ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Điều quan trọng các nhà nghiên cứu cho rằng, sự di chuyển của vi khuẩn từ một bộ phận của cơ thể là một quá trình tự nhiên. Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn nó nhưng vệ sinh răng miệng đúng cách và khoa học thì lượng vi khuẩn có thể xâm nhập có hại sẽ giảm và từ đó ngăn được phần nào sự nguy hại.
Tóm lại: Có rất nhiều loại vi khuẩn trong miệng, và điều quan trọng là phải giữ cho nó ở khía cạnh lành mạnh. Hằng ngày chúng ta cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách. Sử dụng bàn chải và dùng chỉ nha khoa giúp đánh bật các mẩu thức ăn có thể tích tụ vi khuẩn và góp phần gây viêm và nhiễm trùng nướu răng.
Ngoài ra, cần sử dụng nước muối pha loãng để súc miệng hoặc nước súc miệng chuyên dụng được các nha sĩ khuyến cáo. Và điều quan trọng cần khám răng miệng định kỳ theo chỉ dẫn của các bác sĩ nha khoa. Khám sức khỏe tổng quát để phát hiện sớm các bệnh toàn thân, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Liên hệ với nha sĩ càng sớm càng tốt khi có vấn đề về răng miệng. Như vậy chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng cũng chính là chăm sóc tốt sức khỏe toàn thân.
Ths.BS. Trần Thị Nguyệt Ánh
Nguồn: Sức khoẻ và Đời sống