Sáng 17-7, Đoàn công tác của Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh do PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn đã giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết, các dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vắc xin mở rộng tại xã Trảng Bom (Đồng Nai).

Đoàn giám sát làm việc với CDC Đồng Nai
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế khu vực (TTYTKV) Trảng Bom, các dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM)… đã xảy ra tại tất cả các xã, đặc biệt tại các khu vực có khu công nghiệp và Quốc lộ 1A đi qua như: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh, Sông Trầu và Tây Hòa. Cụ thể, từ đầu năm đến nay có: 563 ca SXH, tăng 81,5% (459 ca) so với cùng kỳ năm 2024 (104 ca); 446 ca TCM, giảm 13% (58 ca) so với cùng kỳ năm 2024 (504 ca); 575 ca sởi và 1 ca ho gà (ghi nhận tại xã An Viễn); chưa ghi nhận ca tử vong ở các dịch bệnh trên.
Qua giám sát thực địa tại ấp 1, xã Trảng Bom, đoàn ghi nhận lăng quăng và muỗi cái còn tồn tại nhiều ở các vật dụng chứa nước như chậu cây cảnh, ly nhựa dùng một lần, vỏ thùng đựng nước sinh hoạt, đặc biệt tại các khu nhà trọ. Dù đã được được chính quyền, ngành y tế tuyên truyền, nhưng nhiều người dân vẫn còn chủ quan, thiếu hợp tác với lực lượng y tế.

PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng kiểm tra lăng quăng tại nhà dân ở xã Trảng Bom.
TTYT Trảng Bom đã phối hợp với CDC Đồng Nai tổ chức 2 đợt phun hóa chất diện rộng tại các ấp 1, 2, 4 và 5 của xã Trảng Bom trong tháng 6-2025.
Theo đánh giá của Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh, Trảng Bom đang là địa phương ghi nhận số ca mắc, số ổ dịch vượt đường cong chuẩn về dịch tễ học.
PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng cho rằng, muốn công tác phòng chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả, yếu tố then chốt vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật chứa nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng. Chính quyền và ngành y tế tăng cường truyền thông thay đổi hành vi qua nhiều hình thức đến với người dân.
Chiều cùng ngày, Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với Sở Y tế và CDC Đồng Nai chủ trì buổi làm việc với 22 TTYTKV trên toàn tỉnh để đánh giá, bàn giải pháp phòng, chống SXH và các bệnh truyền nhiễm.
Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, tính đến ngày 10-7, toàn tỉnh đã ghi nhận 6.548 ca mắc SXH, tăng 1,67 lần so với cùng kỳ năm 2024; 4.313 ca TCM, tăng 22,39% so với cùng kỳ năm 2024 (3.524 ca).
Mai Liên