Tết đến là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau để chào đón năm mới, thế nhưng với những y, bác sĩ làm việc tại các bệnh viện ít khi có cái Tết trọn vẹn bên gia đình, bởi họ còn có nhiệm vụ cao cả hơn đó là túc trực tại bệnh viện để cấp cứu, điều trị, thậm chí “chạy đua” với thời gian để giành lại mạng sống cho người bệnh.
Tuy có những vất vả, thiệt thòi, nhưng những y, bác sĩ vẫn ngày đêm tận tụy, làm việc hết sức với tâm nguyện cứu chữa thành công cho người bệnh. Đó cũng chính là món quà, là niềm vui của họ trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Nhiều kỷ niệm khó quên
Mỗi độ Xuân về, BS Hồ Văn Hải, Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cũng háo hức muốn được về quê sum vầy bên gia đình cùng bố mẹ, họ hàng, người thân. Thế nhưng 11 năm nay, kể từ khi vào công tác tại Bệnh viện ĐKKV Long Khánh và lập gia đình riêng trong này, do tính chất công việc nên anh chưa có dịp về quê ở Miền Trung đón tết cùng bố mẹ. Theo anh cho biết, làm việc ở bệnh viện, đặc biệt là tại Khoa Cấp cứu ngày tết càng bận rộn. Những năm trước đây, số bác sĩ của khoa ít, nếu một bác sĩ về quê vào dịp Tết, thì mọi người phải gồng gánh thêm công việc nên rất vất vả. Trong khi đó vào dịp Tết nguyên đán, công việc của các y, bác sĩ trực cấp cứu dường như bận rộn, tất bật và đầy áp lực hơn những ngày thường. Đa phần những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cũng hối thúc bác sĩ phải điều trị tích cực hơn để được ra viện trước đêm 30 Tết, còn những bệnh nhân nhập viện vào ngày Tết lại thường là những ca bệnh nặng và nguy hiểm như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngộ độc thực phẩm...
“Vào những ngày Tết khoa cũng chuẩn bị một ít kẹo bánh, mứt, trái cây... để mọi người trong khoa có chút không khí tết đỡ nhớ nhà. Tôi còn nhớ, có một năm, hôm đó đúng giờ phút giao thừa, mọi người đang quây quần đón Tết ở khoa, bỗng một điều dưỡng thông báo có ca cấp cứu, lúc này tất cả mọi người đều đứng dậy nhanh chóng ai vào việc người ấy, rồi liên tiếp các ca bệnh cấp cứu tiếp theo, khi các bệnh nhân đã được cấp cứu kịp và khám bệnh hết thì cũng là lúc trời đã sáng. Dù công việc có mệt, bữa tiệc còn nguyên, nhưng mọi người đều cảm thấy rất phấn khởi vì các bệnh nhân hôm nay đều được xử lý kịp thời nhanh chóng, không bệnh nhân nào xảy ra chuyện đáng tiếc ”, BS Hải nhớ lại.
BS Hồ Văn Hải khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện ĐKKV Long Khánh.
BS Lê Như Lợi, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện ĐKKV Long khánh cho biết, quê anh ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, anh vào đây công tác được 5 năm, thì cũng 5 năm anh tham gia trực Tết tại bệnh viện. Khoảng thời gian đón Tết ở bệnh viện, anh chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân vào viện vẫn còn say sỉn rồi chửi bới, la lối, hành hung nhân viên y tế, thậm chí những băng nhóm gây gổ đánh nhau.
“Tôi còn nhớ như in ca trực của hôm đó, khi chúng tôi vừa tham gia cấp cứu cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông xong, thì có khoảng 10 người được người nhà đưa vào nhập viện, đây chính là 2 băng nhóm gây gổ đánh nhau ở bên ngoài. Khi vào đây, họ gặp lại nhau và tiếp tục gây gổ đánh nhau, gây náo loạn cả bệnh viện, tôi phải nhờ bảo vệ, cùng với các đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân can thiệp, tách 2 nhóm bệnh nhân ra 2 phòng khác nhau mới có thể tiến hành khám cấp cứu cho các bệnh nhân được”, BS Lợi chia sẻ.
Cũng theo BS Lợi, có những bệnh nhân vào cấp cứu thời gian chỉ tính bằng giây, bằng phút, nếu mất thời gian xử lý những việc như trên thì có khi không cấp cấp cứu kịp, dẫn tới ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Do vậy, các y bác sĩ chỉ muốn được toàn tâm, toàn ý lo cho bệnh nhân mà không bị phân tâm hay mất thời gian giải quyết những việc vô bổ.
Điều dưỡng Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang chăm sóc đặc biệt cho các trẻ sinh non.
Còn điều dưỡng Trần Tôn Nữ Anh Ty, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, 24 năm công tác chị không nhớ hết số năm phải trực Tết tại bệnh viện. Trực Tết thường vất vả hơn các ngày thường vì những ngày tết bộ phận hành chính sẽ nghỉ, vì vậy mọi công việc các y, bác sĩ trực Tết phải làm hết. Thậm chí có những ca trực hầu như thức trắng đêm, dồn hết mọi lực lượng và cố gắng hết khả năng để cứu sống bệnh nhi.
Niềm vui nhân lên khi bệnh nhân khỏi bệnh
Tuy không thể sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình vui Xuân, đón Tết như bao người, thế nhưng các y, bác sĩ trực Tết cũng đã chào đón năm mới theo một cách rất riêng, tràn đầy yêu thương và ấm áp tình người. Dẫu có đôi chút thiệt thòi, nhớ người thân và chịu nhiều áp lực, thế nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận, cống hiến để mang đến niềm vui cho người bệnh.
BS Hồ Văn Hải cho hay, trực cấp cứu ngày Tết vô cùng vất vả, có chút buồn khi không được ở bên gia đình, nhưng không phải chúng tôi không có niềm vui. Niềm vui của chúng tôi là có thể giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch và khỏi bệnh nhanh, nếu những bệnh nhân mình cấp cứu, điều trị ổn thì sau mỗi ca trực trở về nhà ăn Tết cùng vợ con cũng thấy vui hơn. Hay những lúc trực mà không có bệnh nhân, chúng tôi có thể cùng tham gia đón Tết với gia đình bằng cách gọi điện qua zalo, hay messenger bằng hình ảnh cho người nhà, gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp.
Thông thường ngày Tết khoa cũng chuẩn bị các món mà ở nhà thường hay có như bánh chưng, mứt, kẹo bánh để mọi người cùng đón Tết. Giao thừa lãnh đạo bệnh viện cũng như lãnh đạo khoa cùng đi chúc tết mọi người và tặng lì xì đầu năm, tạo không khí ấm cúng như một gia đình, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới.
Điều dưỡng Trần Tôn Nữ Anh Ty chia sẻ, thông thường những người đi trực Tết ai cũng mang mỗi người một món vào khoa, để những lúc không có bệnh nhân thì mọi người cùng tập trung quây quần, kể cho nhau nghe những câu chuyện đầu năm mới.
“Đối với chúng tôi, việc trực Tết cũng như ngày thường, không có gì nặng nề cả. Nghề nào cũng có những đặc thù riêng của nó, mình đã chọn khoác lên mình chiếc áo blu trắng thì phải cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Lấy niềm vui của người bệnh làm niềm vui của mình. Khi nhìn thấy những bệnh nhân qua cơn nguy kịch và khỏe mạnh thì đó chính là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày trực Tết của y, bác sĩ”, điều dưỡng Anh Ty nói.
Thanh Tú