Với nhiều bệnh nhân và người thân, không gì lo lắng bằng việc phải điều trị bệnh và chăm sóc người nhà ở các cơ sở y tế tuyến trên, xa nhà... bởi sự tốn kém, vất vả. Việc các bệnh viện địa phương triển khai và ứng dụng kỹ thuật cao tại chỗ là bước tiến quan trọng, nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là mang lại thuận lợi và giảm chi phí cho người bệnh.
Để bệnh nhân không phải đi xa…
Có người thân phải chuyển và điều trị tại các bệnh viện ở TP. HCM là việc khiến nhiều gia đình lo lắng bởi sự tốn kém, vất vả, nhất là với những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, ngay cả khi có bảo hiểm y tế và đã được chuyển viện đúng tuyến.
Tháng 2-2024 vừa qua, bệnh nhân Nguyễn Duy L., 18 tuổi (ngụ tại xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) đã nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng muộn khi bị khối u khổng lồ nặng 1,5kg đè xẹp toàn bộ phổi trái, lấn sang phải đè một phần phổi phải và toàn bộ hệ thống bên trái đều bị đẩy qua ngực phải như: tim, thực quản, khí quản.... Tại đây, bệnh nhân đã được phẫu thuật bóc khối “u quái” ra khỏi lồng ngực. Trong quá trình mổ, một phần khối u dính với các cơ quan quan trọng như: tim, phổi, thực quản, khí quản, đường dẫn khí, những mạch máu lớn của động mạch chủ… nên việc bóc tách rất khó khăn, cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ để tránh ảnh hưởng đến các bộ phận xung quanh. Các bác sĩ nhận định, nếu không can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim, phổi, mạch máu và tuổi thọ của bệnh nhân.
Theo TS.BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, với tình trạng biến chứng nặng như này, nếu ở thời điểm một vài năm trước, chắc chắn phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật. Song, với những thành tựu ứng dụng kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân.
TS.BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang thăm khám cho một ca mổ tim hở.
Người thân của bệnh nhân L. cho biết: “Gia đình tôi rất cảm kích trước tay nghề chuyên môn và những nỗ lực cứu người của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khi không cần phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Bởi lên tuyến trên, chúng tôi không có điều kiện thanh toán viện phí cũng như các chi phí khác trong quá trình điều trị. Điều đó đồng nghĩa với cánh cửa “sống” của con tôi sẽ hẹp hơn”.
Không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã triển khai và thực hiện thành công rất nhiều kỹ thuật hiện đại, cứu nhiều bệnh viện ở tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm, mà tại nhiều bệnh viện tuyến khu vực, tuyến huyện cũng đã tạo được niềm tin để người bệnh yên tâm ở lại điều trị.
Mới đây, bệnh nhân P.V.T. 63 tuổi (ngụ tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) bỗng nhiên bị yếu liệt nửa người bên phải, không nói được. Vì ông T. đã từng bị đột quỵ nên gia đình lo lắng muốn đưa ông lên bệnh viện tuyến tỉnh hoặc đi TP.HCM vì lo bệnh viện địa phương không điều trị được. Tuy nhiên, nhiều người động viên nên đưa bệnh nhân vào ngay bệnh viện gần nhà để tận dụng thời gian “vàng”, nếu đưa đi xa có thể bỏ mất cơ hội được cấp cứu kịp thời, gia đình đã quyết định đưa ông T. vào Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
Sau khi tiếp nhận và đánh giá tình trạng bệnh nhân, bệnh viện đã phát báo động đỏ và sau đó sự phối hợp khẩn cấp giữa các khoa, bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết, chỉ 6 tiếng sau, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, vận động bình thường, đi lại tốt và đặc biệt khi xuất viện mà không bị di chứng não. BS CKII Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh chia sẻ, nếu lúc đó gia đình đưa bệnh nhân lên tuyến trên sẽ qua mất thời gian “vàng”, chắc chắn não bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng, bởi đây là lần thứ hai bệnh nhân bị đột quỵ. “Trong quá trình điều trị, chúng tôi cũng đã dự phòng để tránh tái phát đột quỵ lần thứ 3 cho bệnh nhân” – Bác sĩ Thành cho biết.
Tiếp tục làm chủ kỹ thuật để cứu bệnh nhân
Hiện nay, các bệnh viện như: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh… đã đạt được nhiều thành tựu trong việc triển khai nhiều kỹ thuật cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bệnh lý tim mạch, đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị các chứng liên quan đến động mạch vành. Trong đó, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là 1 trong 5 bệnh viện của cả nước đã được Chứng nhận đạt chuẩn Kim Cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới.
Theo chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn, những năm gần đây, từ Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới, hiện đại, tiên tiến từ các bệnh viện tuyến trung ương chuyển giao; trong khi đó, bản thân bệnh viện cũng cử những bác sĩ đi học tập, đào tạo từ các bệnh viện lớn trong và ngoài nước.
Một trong những mũi ngọn nổi bật của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện nay là triển khai các kỹ thuật ngoại lồng ngực – tim mạch. Từ năm 2022 đến nay, bằng việc hỗ trợ và hướng dẫn của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện đã bắt đầu triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim ít xâm lấn qua hai đường tiếp cận chính là đường mở nửa ngực trên xương ức và mở ngực bên phải có hướng dẫn nội soi. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được hàng chục trường hợp mở ngực nửa trên xương ức, thay van động mạch chủ, nội soi thay van 2 lá, sửa van 3 lá, vá thông liên nhĩ… Đây là một thành tựu khoa học – kỹ thuật mà không phải bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng có thể thực hiện được.
Còn Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, là đơn vị có đội ngũ bác sĩ liên tục được đào tạo nâng cao trình độ nhân lực, thông qua nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao không chỉ tại tại bệnh viện mà còn có thể chuyển giao cho các bệnh viện khác.
Theo BS CKII Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc bệnh viện, thực hiện mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, bệnh viện đã rất nỗ lực trong việc làm chủ và triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu điều trị các bệnh lý nặng như: thay huyết tương trong suy gan cấp; điều trị tắc mạch gan trong chấn thương gan, kỹ thuật phẫu thuật cắt khối u vú ác tính, vét hạch nách, cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo hạch 2 bên trong ung thư tuyến giáp, can thiệp mạch cầm máu trong trường hợp nội soi can thiệp thất bại…
BS Quang cho biết thêm, để người bệnh yên tâm điều trị tại bệnh viện địa phương mà không phải chuyển viện về TP. HCM, bệnh viện đã kết nối hội chẩn từ xa với chuyên gia của các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Bạch Mai… trong những trường hợp cần hội chẩn và hướng dẫn triển khai kỹ thuật mới trong trong những trường hợp cấp bách.
Việc triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu không chỉ ở những bệnh viện tuyến tỉnh, mà nhiều kỹ thuật mới đã tiếp tục được luân phiên chuyển giao từ bệnh viện tuyến tỉnh xuống bệnh viện tuyến khu vực và tuyến huyện.
Nên giờ đây, nhiều kỹ thuật, phương pháp điều trị mới các bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận, lĩnh hội kiến thức, tự rèn luyện, tự đào tạo và đã làm chủ kỹ thuật, phục vụ người bệnh rất hiệu quả.
Đơn vị đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán đi vào hoạt động từ năm 2020 với sự chuyển giao và hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đến nay, nhiều bệnh nhân đã được can thiệp và cứu sống ngoạn mục. Bác sĩ CKII Tạ Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán chia sẻ, chứng nhồi máu não đang là nguyên nhân hằng đầu gây ra các di chứng liệt não cho người bệnh, việc triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu não (đột quỵ não) mà bệnh viện triển khai đã giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa ở các huyện Định Quán, Tân Phú tận dụng được giờ vàng trong điều trị, không phải chuyển lên tuyến trên, hạn chế được nguy cơ tài tật sau đột quỵ.
Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 4 bệnh viện triển khai điều trị đột quỵ, trong đó có Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, hai bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Định Quán.
Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm” và thực hành phương châm “Để người bệnh không phải đi xa”, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Đồng Nai đã và đang đồng hành cùng người bệnh khi nỗ lực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào hoạt động điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, năm 2024, khoa Ngoại Lồng ngực- Tim mạch của bệnh viện đã phẫu thuật cho hơn 1.200 ca, trong đó có 43 ca tim, 68 ca can thiệp mạch máu ngoại biên, 6 ca stent graft, 7 ca động mạch chủ, còn phần lớn là các ca mạch máu và lồng ngực. Tỷ lệ chuyển viện đã giảm từ 10% xuống còn 8% so với cùng kỳ 2023. |
* Bài 3: Để thành tựu khoa học - kỹ thuật y khoa phát triển bền vững
Bích Ngọc