Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại: Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Tuy nhiên để vắc xin phát huy được hiệu quả tối đa thì vấn đề bảo quản vắc xin cũng vô cùng quan trọng. BS.CKI Hồ Thị Hoa, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm - CDC Đồng Nai sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.
PV: Xin bác sĩ cho biết tầm quan trọng của việc bảo quản vắc xin đúng. Nếu bảo quản không đúng sẽ gây hậu quả như thế nào?
BS.CKI Hồ Thị Hoa: Vắc xin là chế phẩm sinh học đặc biệt, vô cùng nhạy cảm, có thể bị hỏng và thậm chí biến chất nếu không được bảo quản trong điều kiện tối ưu theo quy định của nhà sản xuất. Vắc xin có thể mất giá trị sử dụng dưới tác động của nhiều yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, môi trường, các tác nhân khác như sự nghiêng ngả, đổ vỡ, rung lắc… Do đó, việc bảo quản vắc xin đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là hoạt động không chỉ đảm bảo tính hiệu quả của vắc xin, tính an toàn của quy trình tiêm chủng mà còn bảo vệ sức khỏe, cơ hội và quyền lợi được phòng bệnh hiệu quả cho tất cả mọi người.
Cụ thể: Đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho người tiêm; Đảm bảo chất lượng vắc xin nguyên vẹn; Tiết kiệm chi phí (giảm thiểu tỷ lệ vắc xin hư hỏng).
Vắc xin chỉ đảm bảo an toàn và hiệu quả khi được bảo quản trong kho lạnh và hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP (Thực hành bảo quản thuốc tốt), đặc biệt là thực hành theo quy trình an toàn tiêm chủng.
Nếu vắc xin không được bảo quản đúng điều kiện, chúng có thể mất tác dụng, không tạo được miễn dịch hoặc thậm chí gây hại cho người sử dụng.

Lãnh đạo CDC Đồng Nai và BS.CKI Hồ Thị Hoa (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác bảo quản vắc xin tại Trung tâm Y tế TP.Long Khánh.
PV: Cách bảo quản vắc xin như thế nào tốt nhất thưa bác sĩ?
BS.CKI Hồ Thị Hoa: Để bảo quản vắc xin tốt, thì nhiệt độ bảo quản: +2°C đến +8°C (hoặc nhiệt độ đặc biệt tùy loại vắc xin).
Sử dụng tủ lạnh chuyên dụng.
Thực hiện việc theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hằng ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) và ghi vào bảng theo dõi nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ ngày vào buổi sáng bắt đầu ngày làm việc và buổi chiều trước khi kết thúc ngày làm việc.
Tránh ánh sáng, đặc biệt với vắc xin nhạy cảm.
Đảm bảo chuỗi lạnh từ sản xuất → vận chuyển → lưu trữ → sử dụng.
Kiểm tra chất lượng vắc xin trước khi dùng, loại bỏ vắc xin hỏng.
PV: Xin bác sĩ cho biết việc bảo quản vắc xin của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
BS.CKI Hồ Thị Hoa: Tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện và 2 thành phố, với tổng số 159 xã, phường, thị trấn.
Trong đó, 8/11 đơn vị cấp huyện thành lập Trung tâm Y tế huyện với 2 chức năng; 3 đơn vị hoạt động theo mô hình Trung tâm Y tế huyện với 1 chức năng. Các Trung tâm Y tế huyện chịu trách nhiệm quản lý công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên địa bàn.
Toàn tỉnh có 174 cơ sở tham gia trực tiếp vào công tác TCMR, bao gồm: 159 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; 6 bệnh viện công lập; 1 bệnh viện thuộc ngành cao su. 100% các cơ sở tiêm chủng đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
Hiện nay, kho vắc xin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đạt tiêu chuẩn GSP theo quy định.
Các Trung tâm Y tế tuyến huyện có kho bảo quản vắc xin được trang bị đầy đủ dây chuyền lạnh và thiết bị theo dõi nhiệt độ, đáp ứng đúng quy định. Hiện 11/11 Trung tâm Y tế tuyến huyện đều đã đạt tiêu chuẩn GSP.
Các điểm tiêm chủng tuyến xã được trang bị dây chuyền lạnh và thiết bị bảo quản vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế tuyến huyện, đảm bảo tuân thủ quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản và cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng từ Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam - Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng hơn 1.000.000 liều vắc xin thuộc Chương trình TCMR để tiêm cho trẻ em và phụ nữ.
Theo kế hoạch tiêm chủng hàng tháng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế tuyến huyện. Sau đó, Trung tâm Y tế tuyến huyện tiếp nhận, bảo quản và phân phối vắc xin đến các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn cũng như các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn.
Việc đầu tư vào hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP (Good Storage Practice) giúp đảm bảo vắc xin được bảo quản và vận chuyển trong điều kiện tối ưu, duy trì hiệu lực và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
PV: Xin cảm ơn BS Hồ Thị Hoa!
Thanh Tú (ghi)