Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em. 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), từ đầu năm 2024 đến ngày 11-7 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.608 ca sốt xuất huyết (trong đó số ca trẻ ≤ 15T là 941 ca, chiếm tỷ lệ 58,52%). Trẻ em dễ mắc sốt xuất huyết hơn người lớn do bản tính hiếu động, ham chơi, thích chơi ở chỗ tối nên dễ bị muỗi tấn công. Đồng thời, trẻ thường chơi đùa, ra nhiều mồ hôi nên muỗi dễ phát hiện và đốt. Trẻ nhỏ cũng thường không có khả năng bảo vệ mình khỏi sự tấn công của muỗi. Ngoài ra, khi bị muỗi đốt thì sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn người trưởng thành nên dễ mắc bệnh nặng hơn.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. 

Ở giai đoạn sốt, trẻ em thường sốt cao đột ngột, liên tục, trẻ nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì than nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.  

Sau giai đoạn sốt, trẻ đi vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Biểu hiện trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có các biểu hiện như: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan; nôn ói; vật vã, lừ đừ, li bì; chảy máu lợi, chân răng, tiểu ra máu.

Đến giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn nguy hiểm 48 - 72 giờ, trẻ hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều; có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em

Hiện nay, thời tiết tại Đồng Nai đang là giữa mùa mưa, có nhiều vũng nước đọng và nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho muỗi sinh trưởng, phát triển làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết đối với trẻ. 

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng bằng cách: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến,…

Để bảo vệ trẻ trước sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Bảo vệ trẻ khỏi bị muỗi đốt: Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ chơi ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

Loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn; hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Để diệt muỗi có thể dùng bình xịt muỗi, vợt điện muỗi. Tích cực phối hợp với Ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch

Khi trẻ bị sốt cần tránh tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt, vì nếu bị sốt xuất huyết tác dụng phụ của thuốc có thể gây xuất huyết sớm và nặng hơn. Nên cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai

Share with friends

Bài liên quan

Những cái chết thương tâm do bệnh dại đến từ sự chủ quan
[Video] Cúm gia cầm (Cúm A/H5N1) nguy hiểm như thế nào?
Cúm A/H5N1 nguy hiểm như thế nào?
Lợi ích tiêm vắc xin sởi cho trẻ
Khuyến cáo 6 biện pháp phòng, chống cúm A(H5N1)
[Video] Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024
[Video] Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bệnh dại
Phòng chống dịch bệnh đầu năm học mới
Các biện pháp phòng bệnh Whitmore
Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại
[Infographic] Bệnh sởi và các biện pháp phòng bệnh
Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh ho gà
Lo ngại bùng phát dịch sởi
[Infographic] Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?
Giải đáp các thắc mắc về tiêm phòng sởi
[Video] Bệnh sởi và những điều cha mẹ nên biết để bảo vệ sức khỏe cho con
Lo ngại các bệnh truyền nhiễm quay trở lại do thiếu vắc xin
Dấu hiệu phát hiện sớm và cách phòng bệnh tay chân miệng
[Video] Cảnh báo bệnh sởi gia tăng và cách phòng tránh
TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN