Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh bằng y học hiện đại thì công tác khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền (YDCT) cũng được ngành y tế Đồng Nai chú trọng phát triển. Tuy nhiên, công tác phát triển YDCT còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn và thực hiện thanh toán BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh YHCT.
Công tác khám chữa bệnh bằng YDCT được đầu tư phát triển
Theo báo cáo Sở Y tế Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 1 bệnh viện YDCT với quy mô 180 giường được đầu tư trang bị hiện đại, 2 bệnh viện đa khoa cấp tỉnh và 3 bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, 1 bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai và 8 TTYT tuyến huyện, 1 phòng khám đa khoa khu vực có khoa Y học cổ truyền (YHCT). Trong đó số phòng khám YHCT của các đơn vị là 34/423 phòng khám, chữa bệnh bằng YHCT. Trong năm 2022, Đồng Nai có 170 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, trong đó 130 Trạm Y tế có cán bộ YHCT biên chế và hợp đồng.
Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng YDCT cho 138 bác sỹ, 647 Y sĩ và 335 lương y; Cấp giấy phép hoạt động cho 342 phòng khám chuyên khoa YDCT và phòng chẩn trị YHCT. Về chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng YDCT tại tuyến huyện đến năm 2022 đạt 27,8% vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ khám bệnh bằng YHCT với y học hiện đại trên tổng số khám chữa bệnh chung tại tuyến tỉnh là 16,24%, tuyến huyện là 27,8% và tuyến xã là 14,13%
BS.CKII Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Để tăng cường đội ngũ bác sĩ, y sĩ làm công tác YHCT, từ năm 2018 đến nay tỉnh đã cử đào tạo theo địa chỉ 19 bác sĩ YDCT. Đầu tư, xây dựng khoa YDCT tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, từ năm 2011 đến nay đã có 523 y sĩ YHCT tốt nghiệp. Giao cho Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh chịu trách nhiệm chính thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đề án 1816, đào tạo cho các đơn vị tuyến dưới về lĩnh vực YDCT, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh bằng YDCT, đặc biệt tại các xã vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất.
Đến nay trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ YDCT được nâng cao, đã có 5 bác sĩ YHCT có trình độ chuyên khoa cấp II, 18 bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I và 93 bác sĩ YHCT. Có các dự án nghiên cứu phát triển dược liệu, các cơ sở trồng cây thuốc trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn như dự án “Điều tra hiện trạng nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng mô hình ươm tạo cây giống mật nhân” được xây dựng tại khu dự trữ sinh quyển tỉnh Đồng Nai; dự án điều tra đánh giá hiện trạng một số loại dược liệu chính của huyện Tân Phú với 30 loại dược liệu của hội đông y huyện Tân Phú; và đang triển khai dự án “nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ” tại tiểu khu 126 thuộc huyện Vĩnh Cửu…
Cũng theo BS Ánh, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ngày 05/KH-UBND ngày 12/01/2022 về phát triển YDCT kết hợp y học hiện đại (YHHĐ) đến năm 2030, nội dung bao gồm: phát triển toàn diện y dược cổ truyền, phấn đấu đến năm 2025, phát triển Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai thành Bệnh viện đa khoa Y dược cổ truyền phục hồi chức năng Đồng Nai. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo định hướng đa khoa, lấy YDCT làm nòng cốt, kết hợp phát triển hệ thống vật lý trị liệu – phục hồi chức năng nhằm thực hiện tốt nhu cầu nghiên cứu, điều trị giảng dạy, chỉ đạo tuyến…về YDCT-PHCN. Tăng tỷ lệ khám, chữa bệnh YDCT, kết hợp YDCT với YHHĐ ở tất cả các tuyến, dự kiến đến năm 2025 tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện 25%, tuyến xã 30%. Đến năm 2030 tuyến tỉnh đạt 25%, tuyến huyện 30%, tuyến xã 40%. Tăng chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh chữa bệnh từ quỹ BHYT…
Nhưng còn gặp nhiều bất cập…
Mặc dù Đồng Nai luôn chú trọng công tác phát triển YDCT tuy nhiên do vướng mắc một số quy phạm pháp luật về YDCT đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển công tác khám, chữa bệnh bằng YDCT trên địa bàn tỉnh.
BS.CKI Nguyễn Lộc - Phó Giám đốc TTYT huyện Tân Phú cho biết: hiện nay nhu cầu khám bệnh chữa bệnh của người dân bằng phương pháp YDCT rất cao, tuy nhiên do thông tư của Bộ Y tế quy định mỗi bác sĩ YDCT có chứng chỉ hành nghề chỉ được khám 50 bệnh nhân/ngày vì vậy chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Còn tại tuyến xã, hiện nay đa phần các bác sĩ đều là bác sĩ đa khoa mà theo quy định chỉ có bác sĩ chuyên ngành YDCT mới được khám cấp thuốc cho bệnh nhân khám về YDCT, còn y sĩ đông y khám cấp thuốc thì không được BHXH thanh toán. Nên công tác khám chữa bệnh bằng YDCT ở tuyến xã đều đang bỏ ngỏ.
BS Lê Quang Ánh cho hay, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn và thực hiện thanh toán BHYT của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh YHCT. Cụ thể theo thông tư 50/2010/TT-BYT ngày 31/12/2010 quy định người chỉ định khám, chữa bệnh kết hợp YDCT với YHHĐ là bác sĩ đa khoa, bác sĩ YHCT, nhưng tại các TYT bác sĩ (đa khoa hoặc nội khoa) khám bệnh chỉ định phối hợp châm cứu thì không được BHYT thanh toán, mặc dù sau khi bác sĩ chỉ định thì được y sĩ YHCT có chứng chỉ hành nghề thực hiện châm cứu.
Quyết định số 3959/QĐ-BYT, Bộ Y tế xây dựng định mức dịch vụ kỹ thuật điện châm (DVKTĐC) có nhân lực tham gia là bác sĩ và y sĩ YHCT mà tại các TYT xã chỉ có y sĩ YHCT, không có bác sĩ YHCT nên tất cả các TYT đều ngừng DVKTĐC do BHXH không thanh toán. Đây là khó khăn cho các TYT vì tất cả các y sĩ YHCT đều có chứng chỉ hành nghề với phạm vi khám bệnh, chữa bệnh YHCT nhưng không được chỉ định thực hiện DVKTĐC.
Ngoài ra, quy định giá thu của kỹ thuật Laser nội mạch là chưa phù hợp vì xây dựng chỉ có tiền phụ cấp thủ thuật, tiền lương, vật tư y tế mà không tính tiền kim. Các phương pháp chữa bệnh YHCT dân gian, gia truyền, một số kỹ thuật điện châm như điện châm điều trị mất ngủ , điện châm điều trị hội chứng tiền đình… đều chưa được BHXH thanh toán.
Thanh Tú