Hộ sinh là người đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Thông thường, mọi người vẫn nghĩ hộ sinh chỉ làm một công việc là hỗ trợ sản phụ trong quá trình “vượt cạn”, điều đó đúng nhưng chưa đủ để nói về công việc của họ - những người mẹ đỡ đầu chăm sóc cho các mẹ và bé từ những ngày đầu tiên sau sinh.
Cùng sản phụ “vượt cạn”
Chia sẻ về công việc của nữ hộ sinh (NHS), bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Khoa Sản, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, NHS không chỉ là người có sự linh hoạt trong công việc mà phải là người giỏi tay nghề. Khi các thai phụ vào nhập viện, NHS phải nhanh chóng khai thác được tiền sử bệnh của thai phụ, trong phòng sinh phải chăm sóc, theo dõi thai phụ từ tim thai, sức khỏe, tự đánh giá cuộc chuyển dạ này có bình thường hay bất thường như tiền sản giật, dọa vỡ tử cung hay không để chuẩn bị các phương án xử lý... Khi sản phụ bắt đầu “vượt cạn” các NHS phải theo dõi rất sát sao, vì chỉ cần lơ là trong theo dõi chuyển dạ, thai phụ có thể bị suy tim thai hoặc tai biến, rau thai quấn cổ mà không biết. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp kịp thời thì em bé sinh ra có thể bị ngạt, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
“Trong quá trình “vượt cạn”, để thai phụ đỡ sợ và lo lắng, chúng tôi thường động viên, cỗ vũ họ cố gắng thực hiện theo hướng dẫn và hợp tác tốt hơn trong quá trình chuyển dạ. Khi nhìn thấy em bé chào đời khỏe mạnh, sức khỏe sản phụ ổn định, đó là niềm vui rất lớn của chúng tôi”, - NHS Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay.

NSH Nguyễn Thị Thu Thủy thăm hỏi sức khỏe mẹ con sản phụ sau khi sinh tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất.
Trong 32 năm làm nghề, chị Thủy nhớ như in có một thai phụ đến sinh lần thứ 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trong quá trình mang thai chị này không đi thăm khám hay siêu âm gì, đến khi có dấu hiệu chuyển dạ người nhà đưa chị vào nhập viện, chưa kịp làm thủ tục thì chị đã sinh em bé, tuy nhiên lúc này sản phụ vẫn kêu đau. Với những kiến thức và kinh nghiệm của một NHS làm việc lâu năm, qua nhận định tình hình của sản phụ, chị Thủy biết vẫn còn một thai nhi nữa, lúc này chị nhanh chóng thông báo cho sản phụ và trấn an, hướng dẫn sản phụ làm theo hướng dẫn của mình để sinh tiếp bé thứ 2. Mặc dù ngôi thai của bé thứ 2 bị ngược, nhưng với kiến thức và kinh nghiệm thực tế, chị Thủy đã nhanh chóng đỡ đẻ bé thứ 2 an toàn trong niềm vui sướng của gia đình và chính của bản thân chị.
Hay như có thai phụ nhập viện sinh con lần thứ 3 nhưng nhất quyết đòi sinh mổ, qua thăm khám chị Thủy nhận định thai phụ có thể sinh thường, điều này sẽ tốt hơn cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy chị đã nương theo bệnh nhân nói là sẽ để bệnh nhân sinh mổ, tuy nhiên dặn bệnh nhân cố gắng chịu đựng cơn đau để làm xong các thủ tục sẽ đưa thai phụ sang phòng sinh mổ. Vì biết thai phụ sinh lần 3, trong lúc này tử cung đã mở 5 phân nên việc sinh em bé sẽ rất nhanh, khi nhận thấy dấu hiệu đã đến giờ sinh chị đẩy thai phụ vào phòng sinh, chỉ 1 lúc sau thai phụ sinh một bé trai an toàn khỏe mạnh. Lúc này cả thai phụ và gia đình rất vui và cảm ơn chị rất nhiều.
“Nghề hộ sinh vất vả và chịu nhiều áp lực, chúng tôi đã quen với việc thức thâu đêm hay chuyện ăn sáng thành ăn trưa, ăn trưa thành ăn chiều, rồi có lúc cũng chạnh lòng vì con ốm, chồng ốm nhưng mình không thể chăm sóc, nhưng bù lại được chào đón một đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, nhìn thấy “mẹ tròn con vuông” là niềm hạnh phúc, là món quà quý giá của chúng tôi” – NHS Thủy nói.
Không chỉ giúp các sản phụ “vượt cạn” một cách an toàn mà ngay từ lúc mang thai, các NHS cũng đã hướng dẫn cho các thai phụ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi…để con sinh ra khỏe mạnh, thông minh và phát triển đầy đủ, toàn diện.
Nỗ lực để giúp người dân vùng quê
30 năm công tác trong nghề, NHS Hà Thị Thu, 52 tuổi, hiện đang làm việc tại Trạm Y tế xã Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ) đã giúp đỡ hàng trăm gia đình sản phụ nghèo được hưởng niềm vui trọn vẹn lúc sinh nở. Bà cũng là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm được UBND xã Xuân Đường khen thưởng.
NHS Thu chia sẻ, những năm đầu công tác tại trạm trong điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men còn thiếu thốn, chị đã giúp cho hàng trăm bà mẹ sinh con an toàn. Với lòng yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ chị thường xuyên đến nhà các bà mẹ sau sinh trên địa bàn xã để tắm cho bé, chăm sóc sản phụ hoàn toàn miễn phí. Sau này các sản phụ sinh con tại trạm cũng ít đi, tuy nhiên công việc của một NSH như chị không hề giảm, chị phụ trách thêm các chương trình mục tiêu y tế như: đảm nhiệm công tác đỡ đẻ, khám và điều trị phụ khoa, thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe, chương trình Đái tháo đường trên địa bàn…

NHS Hà Thị Thu đang tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai.
Để có thể thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng và người dân xã Xuân Đường nói chung, chị Thu luôn nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức, chị đã đăng ký học lớp trung cấp tại trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, bên cạnh đó thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin mới về chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, trau dồi rất nhiều về kỹ năng trong quá trình giao tiếp và ứng xử với sản phụ và người nhà, đảm bảo truyền đạt rõ, đúng và đủ thông tin. Nhờ có kiến thức vững chắc nên những công việc mà chị Thu thực hiện trong suốt quá trình công tác đều đạt kết quả tốt và được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ đánh giá cao. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng trên địa bàn xã Xuân Đường giảm từ 12.81% xuống còn 4.71%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 19,57% xuống còn 10.65%...
Đánh giá về vai trò của NHS trong công tác chăm sóc sức khỏe, bà Phan Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam nhấn mạnh: “Cứ 2 phút trôi qua, có 2 phụ nữ tử vong do những vấn đề liên quan đến sinh sản và trên 5000 trẻ sơ sinh tử vong trên toàn thế giới. Do đó, vai trò của nữ hộ sinh hết sức quan trọng, họ không chỉ làm việc đỡ đẻ mà công việc này còn quyết định sinh mạng của cả sản phụ và trẻ sơ sinh. Họ chính là người có đóng góp to lớn vào việc đảm bảo an toàn giống nòi và tương lai nhân loại”.
Thanh Tú