Trước những khó khăn, bất cập mà hệ thống y tế cơ sở (trung tâm y tế, trạm y tế) đang gặp phải. Mới đây Sở Y tế đã xây dựng dự thảo Đề án Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 – 2030. Đề án sẽ được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai cuối năm nay, kỳ vọng làm thay đổi diện mạo, mở ra cơ hội phát triển cho tuyến cơ sở.
Còn nhiều hạn chế, bất cập
BS.CKII Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, qua đại dịch COVID-19 mới thấy được hệ thống y tế cơ sở hiện bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Hiện nay tuyến y tế cơ sở mới thực hiện được nhiệm vụ của dự phòng như tiêm chủng mở rộng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện sớm, quản lý bệnh, nhất là các bệnh không lây nhiễm cho người dân. Cơ chế tài chính còn bất cập, thiếu cơ số thuốc, việc cung ứng các dịch vụ về sức khỏe còn hạn chế khiến người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở dẫn đến vượt tuyến.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) H.Cẩm Mỹ cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện nhiều Trạm y tế (TYT) xuống cấp trầm trọng như TYT xã Xuân Tâm, TYT xã Sông Ray… Hệ thống máy móc như ghế nha, máy siêu âm không có nhân sự sử dụng, hệ thống máy vi tính, hệ thống Internet nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh cũng cũ kỹ không đồng bộ, các phần mềm sử dụng tại tuyến y tế cơ sở còn phân mảnh, không thống nhất do không cùng nền tảng giải pháp kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp, từ đó dẫn đến việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc trong khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tại TYT đối với y sỹ đông y, nữ hộ sinh hoặc các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí Quốc gia.

TYT xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) phun hoá chất tại ổ dịch SXH.
Hay tại TTYT H.Tân Phú, bác sĩ Phạm Trương Khánh Giang – Phó Giám đốc Phụ trách chia sẻ, trong nhiều năm liền, Trung tâm đã xây dựng các kế hoạch đào tạo về nhân sự, và được đầu tư trang thiết bị nhưng đáng buồn là sau khi đào tạo có tay nghề nhân viên y tế lại rời đi, trang thiết bị lại “đắp chiếu”, tình trạng này đã kéo dài và sẽ còn tiếp diễn.
Bác sĩ Nguyễn Đức Phước - Giám đốc TTYT H.Trảng Bom cũng nêu lên những khó khăn tồn tại từ lâu như quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm các chức vụ của đơn vị như về trình độ chuyên môn thì có, nhưng giấy tờ bằng cấp liên quan như Trung cấp chính trị…chưa có, dẫn đến không bổ nhiệm được, đó cũng là hạn chế chung của nhiều đơn vị.
Triển khai đề án - Cơ hội cho y tế cơ sở
Thực hiện chỉ đạo của UBDN tỉnh, Ngành Y tế đang xây dựng Đề án Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2030. Đây là cơ hội lớn để y tế cơ sở nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
Đề án này sẽ tập trung vào vấn đề thu hút, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế; sửa chữa, cải tạo, xây mới cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế cho các Trung tâm y tế, trạm y tế.
Mục tiêu mà Đề án đặt ra là đến năm 2025, có ít nhất 95% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT; 90% trạm y tế đạt Tiêu chí quốc gia về y tế; duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ hoạt động; 90% trạm y tế đạt Tiêu chí quốc gia về y tế vào năm 2025; Phấn đấu 95% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; Đảm bảo 100% các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác chuyên môn; 100% các đơn vị y tế có cán bộ cử đào tạo nâng cao trình độ theo kế hoạch bằng nhiều hình thức…

TYT xã Thanh Sơn sơ cứu vết thương cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án của huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ xây mới, sửa chữa các cơ sở y tế. Khẩn trương lập danh mục đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị trong các dự án xây mới đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Đối với những TTYT, TYT cần sửa chữa, bổ sung trang thiết bị y tế cấp bách để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế đề nghị sử dụng nguồn kinh phí hoạt động đã được cấp để chi cho hoạt động thường xuyên. Trường hợp thiếu hụt kinh phí thực hiện, các đơn vị cần có tờ trình đề xuất UBND huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, mua sắm theo đúng quy định.
Về nhân lực, các đơn vị cần chủ động phân công, điều chuyển, bố trí nhân lực hợp lý để thực hiện nhiệm vụ và tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, phải tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên y tế. Sở Y tế sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Sở chủ động có những giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị.

Cho trẻ uống Vitamin A tại TYT.
“Cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tổng thể của mạng lưới, gồm năng lực quản lý, năng lực cung ứng dịch vụ y tế, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực y tế, tài chính y tế và thông tin thống kê y tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác hiệu quả giữa mạng lưới YTCS với cộng đồng dân cư thông qua mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mới, sử dụng y học gia đình để bảo đảm quản lý sức khỏe cá nhân, chăm sóc lồng ghép, toàn diện và liên tục suốt đời hay thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe hiệu quả, cũng như với các cơ sở y tế tuyến trên trong hệ thống chuyển tuyến theo hướng tăng cường sự phối hợp, cộng tác vì lợi ích của người bệnh”- BS Bình cho hay.
Để kịp thời trình Đề án vào kỳ họp HĐND cuối năm 2023, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị triển khai mạnh mẽ việc góp ý cho đề án để Sở Y tế trình vào cuộc họp HĐND cuối năm. Đây là cơ hội vô cùng lớn để y tế cơ sở được “thay da đổi thịt”, phát huy tốt hơn nữa chức năng gần dân, là “rường cột” trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Mai Liên