Ngày 5-9 Đoàn công tác của 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Quảng Nam, Hà Tĩnh đã tới tham quan mô hình điều trị PrEP tại tỉnh Đồng Nai.
Tiếp và làm việc với đoàn, có BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế, TS.BS Trần Minh Hòa - Giám đốc CDC Đồng Nai và lãnh đạo các đơn vị, bộ phận liên quan.
Đoàn công tác của 4 tỉnh chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Sở Y tế, CDC Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, đoàn đã được nghe đại diện CDC Đồng Nai giới thiệu các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP tại Đồng Nai, quy trình cung cấp dịch vụ PrEP tại phòng khám bao gồm các bước, cách tổ chức và vận hành phòng khám…
Chương trình PrEP tại tỉnh Đồng Nai bắt đầu được cung cấp từ năm 2019, đến nay đã có 12 phòng khám điều trị PrEP, trong đó 04 Phòng khám đặt tại cơ sở y tế công, 02 Phòng khám tư nhân do cộng đồng dẫn dắt, 02 Phòng khám đa khoa tư nhân và 4 phòng khám PrEP tại 4 trạm y tế.
Các mô hình triển khai PrEP tại Đồng Nai được triển khai đa dạng và sáng tạo, đến nay đã thu hút được khoảng 3 ngàn khách hàng đang tham gia điều trị PrEP.
Mỗi mô hình điều trị PrEP tại Đồng Nai đều có những ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên nó hỗ trợ và xây dựng được một mạng lưới rộng lớn góp phần giảm tỷ lệ người nhiễm HIV mới trên địa bàn tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
Cụ thể, đối với mô hình phòng khám công cung cấp PrEP tại các Trạm y tế có thể cung cấp dịch vụ 24/24, còn các phòng khám được đặt tại các TTYT có lượng bệnh nhân lớn mỗi ngày, và khách hàng dễ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến PrEP.
Đối với mạng lưới phòng khám PrEP tư nhân, thời gian làm việc linh hoạt, dịch vụ thân thiện, bảo mật và riêng tư. Khách hàng có nhiều lựa chọn đa dạng về PrEP bao gồm dịch vụ miễn phí hoặc thương mại tùy theo sở thích và khả năng chi trả của họ. Truyền thông tạo cầu trực tuyến và trực tiếp cho hoạt động PrEP và dịch vụ khác liên quan tới HIV.
Còn đối với mô hình PrEP lưu động thực hiện bởi phòng khám PrEP liên kết với các nhóm hỗ trợ cộng đồng (CBO) dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án và Sở Y tế/CDC tỉnh nhằm cung cấp dịch vụ PrEP tại cộng đồng như: trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, khu dân cư,… mô hình này rất thuận tiện cho khách hàng, góp phần tăng độ bao phủ dịch vụ PrEP tại các nơi chưa có phòng khám PrEP cố định.
Trong khi đó, Mô hình PrEP từ xa (Tele PrEP) là một lựa chọn dành cho những khách hàng PrEP không thể đến phòng khám để nhận dịch vụ. Đơn vị cung cấp dịch vụ TelePrEP sử dụng nhiều kênh khác nhau như cuộc gọi video, cửa sổ chát, nhắn tin trên Zalo/Facebook/Viber và các ứng dụng khác để tương tác với khách hàng. Thuốc PrEP được kê đơn và phân phối cho khách hàng thông qua dịch vụ bưu chính hoặc CBO. Mô hình này hữu ích ở những vùng xa, nơi dịch vụ PrEP chưa được phổ biến rộng rãi. Mô hình này cung cấp thêm nhiều lựa chọn PrEP đa dạng, giúp khách hàng tuân thủ điều trị PrEP.
Bên cạnh những điểm mạnh của mỗi mô hình của các phòng khám PrEP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đại diện CDC Đồng Nai cũng chia sẻ những khó khăn, thử thách của mỗi mô hình, để đại biểu 4 tỉnh hiểu và nắm rõ hơn, từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm và sự lựa chọn phù hợp cho tỉnh mình.
Trong ngày đoàn công tác của 4 tỉnh cũng đã tham quan trực tiếp tại các phòng khám cung cấp dịch vụ PrEP tại tỉnh Đồng Nai như Phòng khám Glink Đồng Nai, Trạm y tế phường Hóa An, phường Long Bình Tân (TP Biên Hoà).
Thanh Tú